Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Nón ngựa Cát Tường


Xã Cát Tường huyện Phù Cát từ lâu lừng danh với làng nghề nón lá. Đặc biệt là chiếc nón ngựa được làm từ đây nay đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật đáng tự hào cho người dân xứ cát.

Làng nghề nón lá này thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Một trong những người có công rất lớn trong việc hồi sinh làng nghề nón ngựa Phú Gia là ông Đỗ Văn Lan (65 tuổi, ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường, H.Phù Cát, Bình Định). Đến nay, ông Lan có hơn 55 năm theo nghề làm nón ngựa của gia đình.

Theo ông, nghề làm nón ở thôn Phú Gia từ xưa đến nay cũng có ít nhiều thay đổi nhưng kỹ thuật, nguyên liệu để làm ra chiếc nón ngựa vẫn giữ được những yếu tố truyền thống. Để làm được một chiếc nón ngựa phải mất đến 20 công đoạn, trong đó có 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón. Nguyên liệu làm nón gồm có lá cọ (còn gọi là lá kè), cây giang, rễ cây dứa,… Những nguyên liệu này trước khi dùng để làm nón phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu.



Ông Lan trổ tài làm nón - Ảnh: Xuân Khánh

Để hoàn thành một chiếc nón ngựa Phú Gia, thông thường phải mất từ 2-3 ngày công nhưng giá bán chỉ từ 50.000-300.000 đồng/cái, tùy theo chất lượng, mẫu mã và hoa văn thêu trên nón. Vì vậy, người làm nghề nón lá thường có cuộc sống rất khó khăn.

Là người có tâm huyết với nón ngựa, ông Lan đã nhiều lần “sống chết” với chiếc nón này. Nhiều khi ông bỏ ăn bỏ ngủ để tìm hướng đi cho làng nghề của mình, điều đó được mình chứng bằng tín nhiệm của người dân trong thôn bầu ông làm Tổ trưởng của làng nghề (hiện ông đã thôi làm chức vụ này). Trong nhiều năm trời, ông cần mẫn mang nón ngựa đi khắp các hội chợ, triển lãm để quảng bá…

Theo ông Lê Quang Công, Phó chủ tịch UBND xã Cát Tường, nghề làm nón ngựa ở Phú Gia đã có từ hơn 300 năm trước. Ngày xưa, nón lá được làm ra ở làng Phú Gia chỉ dành cho những người có địa vị, quyền thế và họ thường đội khi cưỡi ngựa nên có tên gọi là nón ngựa. Giai đoạn khó khăn nhất của làng nón ngựa Phú Gia bắt đầu từ sau năm 2000, khi sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Mãi đến năm 2008, làng nón Phú Gia mới bắt đầu tìm được hướng đi mới, đó là phát triển làng nghề truyền thống gắn với làm du lịch. “Năm đó, tỉnh Bình Định tổ chức Festival Tây Sơn lần thứ nhất, làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong những làng nghề truyền thống được ban tổ chức chọn để quảng bá hình ảnh của địa phương. Sau kỳ festival đó, nón ngựa Phú Gia được nhiều người biết tiếng, khách du lịch tìm đến và làng nghề dần hồi sinh”, ông Công nhớ lại.


Nón ngựa Phú Gia - Ảnh: Xuân Khánh

Từ năm 2011, làng nghề nón ngựa Phú Gia mở được lớp dạy nghề làm nón cho con em hộ nghèo, cận nghèo trong và ngoài thôn. Mỗi năm tổ chức được hai lớp, mỗi lớp có 35 em theo học. “Những năm gần đây, càng có nhiều khách du lịch đến tham quan mua sắm, lại có nhiều người ở xa tìm mua, đặt hàng nên hầu như nón làm xong là bán hết. Ở làng nón Phú Gia này đã có người từng có người xuất ngoại sang Úc để dạy làm nón”, ông Lan nói đầy tự hào.

Ông Lê Quang Công, Phó chủ tịch UBND xã Cát Tường: “Ở Phú Gia cũng có nhiều người theo nghề làm nón, nhưng họ chỉ làm tốt ở một vài khâu, riêng ông Lan thì khâu nào cũng làm giỏi. Hiện ông ấy là người làm nón ngựa nổi tiếng nhất ở thôn Phú Gia”.

Cả xã Cát Tường hiện có khoảng 400 hộ làm nón nhưng chỉ khoảng 1/3 số này là làm nón ngựa. Một chiếc nón ngựa làm mất một tuần công và mỗi công đoạn do một người đảm nhiệm. Người dựng khung, người thêu, người chằm nón… mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ và phải rất tài hoa. “Ngày xưa chỉ có người có chức tước hay nhà giàu, phong lưu cưỡi ngựa mới đội nón có chóp bịt bằng bạc chạm trổ công phu nên gọi là nón ngựa”, người già ở Phú Gia đều giải thích như thế.

Xuân Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét