Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Lễ hội cầu ngư Đề Gi


Hàng năm, cứ đến ngày 10-4 (âm lịch), vùng cửa biển Đề Gi (Bình Định) ngày thường vốn bình lặng bỗng trở nên tưng bừng, náo nhiệt. Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về Cửa Mũi (thuộc thôn An Quang, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) để tham dự Lễ hội Cầu ngư truyền thống.

Vì sao người dân Đề Gi lại chọn ngày mồng 10-4 (âm lịch) hàng năm để tổ chức Lễ hội Cầu ngư truyền thống? Theo các cụ già ở thôn An Quang kể lại: Xưa kia, vùng Cửa Mũi - Đề Gi thuộc thôn An Quang, tổng Đàn Lâm, huyện Phù Ly (tức Phù Cát và Phù Mỹ ngày nay) còn rất hoang sơ. Một trong những vị tiền hiền đầu tiên có công khai phá, mở đất, tạo dựng nên đất Đề Gi - An Quang là ông Cao Văn Cu, ở Quảng Ninh vào. Sau họ Cao, nhiều dòng họ từ Đàng Ngoài lần lượt di cư vào, khai khẩn, sinh sống, lập nghiệp ở Đề Gi - An Quang.

Tương truyền, vào khoảng năm 1805, triều Gia Long ngũ niên, bỗng có 1 con cá bị chết và trôi dạt vào bờ biển Đề Gi. Dân làng không biết cá gì, cũng không biết điều gì sẽ xảy ra liền trình tấu lên quan huyện Phù Ly. Hôm sau, tự nhiên có một ông lão râu tóc bạc phơ không rõ từ đâu tới, ôm con cá mà rằng: "Ta là người ở dưới Thủy cung, đã có công với triều đình. Khi Đức Thế tổ lâm nạn, ta đã đưa người ra khỏi Mũi này!". Nghe vậy, các quan hàng huyện liền trình tấu lên tỉnh và tỉnh cho phép làng An Quang được lập Lăng thờ, gọi là Lăng Ông Nam Hải. Bấy giờ, diện tích Lăng Ông khá nhỏ, chỉ lợp chừng hơn 10 tấm tranh. Năm Gia Long thứ chín (1810), một chiếc tàu gỗ không rõ của nước nào đã nã súng bắn vào làm Lăng Ông phát hỏa. Xương cốt cá bị cháy trụi. Dân làng An Quang ngậm ngùi hốt nắm xương cá còn lại, gói vào 1 tấm vải đỏ, để vào khay (nay vẫn còn) đặt lên bàn thờ. Tiếp đó, ngư dân An Quang tâu lên trên. Lần này, hàng tỉnh lập tờ trình tâu về Phú Xuân (Huế). Triều đình nhà Nguyễn đã ban sắc phong và cho phép dân làng An Quang được xây Lăng để thờ.

Năm Khải Định thứ chín (1924), người dân vùng cửa biển Đề Gi kẻ ít, người nhiều đã tự nguyện quyên góp, tập trung xây dựng Lăng Ông bằng gạch vồ, trộn với vôi và dần dần tu bổ thêm. Hiện nay, kiến trúc của Lăng Ông đã thay đổi ít nhiều nhưng cơ bản vẫn giữ được dáng dấp xưa. Trong Lăng hiện vẫn còn ngai, tráp, sắc phong, tro cốt… Từ ngoài bước vào, trên cửa Lăng nổi bật 2 chữ TẾ TỰ (được sơn son thếp vàng, đã bị cháy). Tiếp đến là 3 chữ CỬU NHƯ TỤNG (9 lần chúc). Ở giữa Lăng là khoảng 70 bộ cốt Ông (xương cốt cá voi). Cũng theo các cụ già ở Đề Gi, trước kia trong Lăng có 32 bộ cốt Ông (đã bị cháy), có bộ dài hơn 10m và rộng chừng 1 sải đòn gánh. Bộ cốt Ông lớn nhất hiện còn ở trong Lăng cũng dài trên 6m. Tất cả những bộ cốt Ông được đặt trang trọng trong tủ kính. Hai bên tả - hữu Lăng là hổ bộ bát xà mâu và nhiều câu đối ghi lại công trạng, đức độ của Ông. Đơn cử như: "Trung nghĩa chiêu trương thiên cổ quân danh thùy thiết quyến/Anh linh hiển hách quần phương bảo kiếm cố kim thang" (Nghĩa là: Người trung nghĩa nổi tiếng từ xưa tới nay đáng ghi vào sách vở/Những chiến công và sự vinh hiển đáng ghi vào bảng vàng).

Trong những ngày diễn ra Lễ hội Cầu ngư ở Đề Gi, bên ngoài sân, trước cửa Lăng Ông được dựng rạp. Hai bên tả - hữu cờ xí rợp trời, với đèn lồng, bảng văn, chiêng trống… linh đình. Phần trên cùng của rạp lộng lẫy một bức trướng nghi thêu dòng chữ ẨM HÀ TƯ NGUYÊN (với ý nghĩa UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN).

Toàn bộ việc chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư ở Đề Gi do Hội Lao động ngư dân An Quang (trước kia gọi là Ban Vạn ngư nghiệp) đảm nhiệm. Kế hoạch, chương trình được chuẩn bị chu đáo từ trước đó cả vài tuần. Lễ chính được tiến hành trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là lễ Rước Ông (còn gọi là lễ Nghinh Ông), lễ An Vị và hát múa Bả Trạo. Ngày thứ hai là lễ Cầu Siêu (phù hộ cho những người không may bị chết trôi). Ngày thứ ba của lễ hội diễn ra Hát án. Sau 3 ngày lễ chính, những ngày sau của Lễ hội Cầu ngư diễn ra khá nhiều chương trình, tiết mục: Hát Bội, hát múa Bả Trạo… Trong những ngày diễn ra Lễ hội Cầu ngư, ngoài khách thập phương, ngư dân vùng cửa biển Đề Gi đi làm ăn xa ở trong Nam, ngoài Bắc cũng trở về tụ hội cùng với bà con quê hương, làng xóm, gia đình. Đây cũng chính là dịp để bà con ngư dân gặp gỡ, trao đổi về tình hình sinh sống, làm ăn, khai thác, đánh bắt hải sản…

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng Lễ hội Cầu ngư ở Đề Gi - An Quang vẫn được gìn giữ và lưu truyền. Ngày nay, với chủ trương bảo tồn, chấn hưng di sản văn hóa dân tộc, Lễ hội Cầu ngư ở vùng Cửa Mũi Đề Gi ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và phát triển, trong đó có một số bộ môn mới, như: đua thuyền, lắc thúng, bóng đá, kéo co, bóng chuyền… Và, cứ đến ngày mồng 10-4 (âm lịch), dòng người lại nô nức đổ về cửa biển Đề Gi…

Viết Hiền (báo Bình Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét