Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Chùa Ông Núi (Linh Phong thiền tự)


Chùa Ông Núi (còn gọi là Linh Phong thiền tự) là một ngôi chùa linh thiêng, nổi tiếng và lâu đời nhất của Bình Định. Chùa tọa lạc trên một ngọn núi thuộc dãy núi Bà, tại thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Từ đường nhựa, đi vào chân núi khoảng vài trăm mét chúng ta sẽ gặp hàng cột được trang trí công phu mở lối bước lên những bậc đá dẫn đến chùa. Lối đi quanh co theo sườn núi được tạo bởi hàng ngàn bậc đá này có từ hơn ba thế kỷ trước. Đường lên chùa cỏ cây, hoa dại mọc chen giữa đá, đâu đó thoang thoảng mùi hoa dủ dẻ thật dễ chịu. Đi hết khoảng hơn một trăm bậc đá sẽ thấy ngôi chùa nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển hiện ra. Ngôi chùa nằm lưng chừng núi.

Theo sách cũ, năm 1702, thiền sư Tịnh Giác đến núi này tu hành. Vị cao tăng dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống một mình trên núi, thỉnh thoảng mới xuống thôn xóm chữa bệnh cho dân làng. Thấy ông dùng vỏ cây làm áo quần, dân trong vùng gọi ông là Mộc Y Sơn Ông.

Năm 1733, chúa Nguyễn Phước Trú lệnh cho quan địa phương dựng chùa lại bằng ngói, đổi tên là Linh Phong thiền tự. Ông tổ tuồng Đào Tấn khi đang là Thượng thư bộ Công cũng đã bỏ tiền tu bổ lại chùa và làm thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi này. Ở Huế, Đào Tấn cũng lập hòn non bộ trong phủ đệ của mình, trên đó khắc hai chữ Linh Phong (hòn non bộ này hiện còn ở trong khuôn viên chùa Thiên Mụ).

Trong sách Đại Nam Nhất thống chí, viết về chùa như sau: “Chùa lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra đầm biển cạn, xung quanh có nước suối lượn quanh, phong cảnh rất đẹp”.

Năm 1965, chùa cổ bị cháy bởi bom đạn. Hiện nay chỉ còn lại hang Tổ, nơi thờ cúng người khai phá núi xây chùa và dòng suối nhỏ trong trẻo gợi nhớ hình ảnh ngôi chùa cổ kính ngày xưa.

Hiện nay chùa đã được xây dựng lại (khoảng những năm 2000). Khuôn viên chùa luôn mát rượi nhờ những tán cây cổ thụ như phượng, mít, bàng. Rất nhiều liễu và hoa được trồng chung quanh hồ nước rộng ngay trước chính điện.

Đứng từ cổng chùa, nhìn ra xa thấy đầm Thị Nại trong xanh điểm những con sóng bạc. Gần chân núi là những thôn xóm mái ngói nâu nổi bật giữa đồng lúa xanh non. Dòng sông Chùa uốn lượn lung linh trong nắng, dọc bờ biển, sóng tung bọt trắng xóa. Bước chân ra khỏi chùa, nhiều du khách sẽ thấy lòng thanh thản và bỗng thấy cõi nhân gian thật hữu tình.

Phía sau chùa còn có nhiều tháp cổ xen giữa đá núi và những tán cây rừng cổ thụ. Đây là nơi an nghỉ của các vị sư. Đi sâu vào trong núi có nhiều hòn đá chồng lên nhau tạo thành những hình thù kỳ dị và cả những hang đá thâm u. Một số hang có thờ Phật nên ấm áp mùi nhang khói. Có những hang rất rộng, chứa được cả đoàn quân thời chiến. Nhiều hang đá giờ đây bị những bụi cây gai um tùm lấp mất cửa không ai dám vào. Hang động núi Bà vẫn còn đó nhiều bí mật với khách hành hương.

-----------------

Theo báo Thanh Niên, Đại hồng chung ( quả chuông) chùa Linh Phong hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng H.Phù Cát, có khắc tên một danh tướng của chúa Nguyễn là Tống Phước Hiệp (và tên con trai, con gái), cùng phụ tá của ông là Nguyễn Khoa Thuyên (và tên vợ con). Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, năm 1774, quân Tây Sơn đánh Bình Thuận, Tống Phước Hiệp cùng Nguyễn Khoa Thuyên nhận được lệnh phát hịch gọi binh đi đánh Tây Sơn.

Trong chiến dịch này, Tống Phước Hiệp bắt gặp đại hồng chung chùa Thiên Phước (ở Vĩnh Long ngày nay) nên cùng với Nguyễn Khoa Thuyên cho thợ khắc chữ lên chuông rồi tiến cúng cho một vị sư. Đến nay vẫn chưa rõ Tống Phước Hiệp tiến cúng đại hồng chung cho vị sư nào và tại sao đại hồng chung này lại có tại chùa Linh Phong.

---------------------

Chùa ông Núi

Mái dột tường xiêu liễu ngẩn ngơ 
Hỏi thăm duyên cớ Phật làm lơ 
Vắng sư bụt đá toan hồi tục 
Lạnh khói hương cây sắp thoát chùa 
Hoành cổ nhện giăng treo lỏng chỏng 
Bình phong rêu bám đứng chơ vơ 
Tiếng chuông tế độ rày đâu đó 
Để khách trầm luân luống đợi chờ.

Hàn Mặc Tử 
(Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994).




------------------------


Đường lên chùa 


Tượng Mộc y sơn ông


Một góc nhìn từ núi cao cạnh chùa


Tháp mộ Ông Núi



Cổng chùa 


Điện chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét