Ai về Bình định mà coi
Đàn bà cũng biết cầm roi, đi quyền
Võ thuật Bình Định bao gồm nhiều môn võ cổ truyền có xuất xứ từ tỉnh Bình Định hoặc đã từng phổ biến ở tỉnh này sau đó được truyền bá rộng rãi khắp cả Việt Nam và thế giới.
Đặc điểm
1. Đặc điểm đầu tiên lớn nhất của võ thuật Bình Định là sự đa dạng. Đa dạng về những dòng võ ngay trên đất Bình Định và đa dạng về sự khác biệt trong kỹ thuật giữa các hệ phái mang tên Bình Định hoặc Tây Sơn trên toàn quốc.
Tuy nhiên, sự đa dạng đó lại đặt trên cơ sở một số đặc điểm chung hầu hết các dòng võ ở Bình Định đều có. Chẳng hạn như một số bài bản được mặc nhiên coi là võ Bình Định như Ngọc trản ngân đài, Siêu Bát Quái, Roi Tấn Nhứt, Roi Ngũ Môn. Mặc dù đây chính là các bài bản của Võ Ta hay còn gọi là Võ Kinh, một môn võ của Đàng Trong và từng được dùng cho huấn luyện trong quân đội và thi võ cử trong thời nhà Nguyễn.
Các câu vè có liên quan đến yếu quyết của võ thuật được lưu truyền ở Bình Định cũng là những câu vè của Võ Ta. Ví dụ: "Roi tiên quyền tiếp" (Xem Đấu Roi), "Song thủ ngũ hành vi bản. Lưỡng túc bát bộ vi căn"… Một câu vè khác nói lên sự thống nhất và liên đới giữa hai môn (Võ Kinh và võ thuật Bình Định) là "Roi Kinh quyền Bình Định". Những kỹ thuật này không chỉ có riêng ở Võ Kinh và võ thuật Bình Định. Nó còn tồn tại ở các dòng võ ở các miền khác, chẳng hạn võ Tân Khánh Bà Trà (Bình Dương), Bình Định Võ Đạo (Bến Tre).
Ngoài những kỹ thuật được coi là võ Ta nói trên, mỗi dòng võ đều chứa những đặc điểm riêng của mình. Đặc biệt nhất là những kỹ thuật thừa hưởng của nhà Tây Sơn. Ví dụ: Bài Hùng Kê quyền vốn được coi là của Nguyễn Lữ, bài quyền Yến Phi (thảo pháp Én bay) vốn được coi là của Nguyễn Huệ, các kỹ thuật về trống trận Tây Sơn… Mặc dù những kỹ thuật này không phổ biến bằng các kỹ thuật của Võ Ta, nhưng đây là điểm đặc sắc của riêng vùng đất Bình Định mà các vùng khác không hề có.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây có sự xuất hiện ra công chúng dòng võ chùa Long Phước. Theo trang web Võ Cổ Truyền, nhà sư Vạn Thanh (tên thật là Nguyễn Đông Hải) vốn là truyền nhân đời thứ 13 của môn phái Long Hổ Không hồng. Cũng theo trang web nói trên, kỹ thuật của môn võ này bao gồm trong "Phổ Đại Nam triều chi tướng thao" do tướng Tây Sơn Nguyễn Trung Như (Hư Linh Ẩn) truyền lại. Tập sách này gồm 2 bộ:
"Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp" do Hư Minh, tổ của môn phái Long Hổ Không hồng ghi lại các bài bản từ thời nhà Lê trở về trước.
"Tây Sơn danh tướng mộ hùng thao" do Nguyễn Trung Như ghi lại các bài bản võ thuật của thời Tây Sơn.
Mức độ trung thực về mặt lịch sử của các tài liệu này rất cần được sự quan tâm nghiên cứu công phu của các nhà sử học.
Vì có sự tương đồng về mặt văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc, có một số dòng võ hoặc hệ phái tuyên bố có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng lấy danh xưng võ Bình Định. Chẳng hạn như trường hợp của phái võ Bình Định gia tại Hà Nội, dòng Bình Định An Thái của võ sư Diệp Trường Phát. Việc công nhận hay công nhận danh xưng "Võ Bình Định" của các hệ phái này một thời từng là một đề tài tranh luận khá sôi nổi trong giới võ.
Ngoài ra, ở vùng đất này cũng đã và đang có sự phổ biến của nhiều môn võ hiện đại trong và ngoài nước khác nhau. Đất Bình Định cũng đã từng rất nổi tiếng trong "làng đấm" (quyền Anh). Tuy nhiên, vì có sự rạch ròi trong ngôn ngữ sử dụng lẫn trong sự phân chia môn phái võ thuật hoặc bộ môn thể thao thi đấu nên chưa bao giờ các môn võ này được gọi với danh xưng "Võ Bình Định".
2. Về khía cạnh võ thuật, võ cổ truyền Bình Định thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân). Về võ lý, võ cổ truyền Bình Định vận dụng triệt để học thuyết âm - dương, lấy phép ngũ hành và phép bát quái làm nguyên lý cơ bản của "Song thủ ngũ hành vi bản", "Lưỡng túc bát bộ vi căn" là cơ sở võ lý cho luyện tập bộ tay và bộ chân trong võ cổ truyền Bình Định: Tấn pháp trong bát quái và Thủ pháp trong Ngũ hành, có sự phối hợp cả hai phương diện ngoại công và nội công.
3. Về khía cạnh đạo đức, ngoài những đức tính mà con người đề cao trong rèn luyện đạo đức là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đạo đức của người luyện võ còn thể hiện ở các mặt truyền thống: thượng võ, chống ngoại xâm; uống nước nhớ nguồn; trọng nhân nghĩa...
4. Về nội dung, võ cổ truyền Bình Định vô cùng phong phú, đa dạng nhưng tựu trung có 4 nội dung cơ bản là: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Quyền còn gọi là thảo bộ hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền. Võ tay không chia thành 4 nhóm: Võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu. Binh khí được dùng trong võ cổ truyền Bình Định bao gồm binh khí dài và binh khí ngắn. Loại binh khí rất cơ bản được lưu hành khá phổ biến ở Bình Định là côn (tiếng địa phương gọi là roi) (Xem Đấu Roi)với nhiều "phách roi" độc đáo chỉ có ở võ cổ truyền Bình Định: "Đâm so đũa", "Đá văn roi", "Phá vây", "Roi đánh nghịch"... Nói về tận dụng vũ khí thô sơ chống giặc, Bình Định có "Bài kiếm 12" nổi tiếng gồm 12 động tác được rút tỉa trong nhiều bài kiếm tiêu biểu của Bình Định để hình thành một cách ngắn gọn, dễ tập, dễ nhớ, được đưa vào luyện tập và thực hành chiến đấu đạt hiệu quả cao trong các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở địa phương.
Trong các bộ môn về quyền thuật, "Ngọc Trản" là bài quyền tiêu biểu của võ cổ truyền Bình Định, trải qua thời gian, nó vẫn sáng chói như một "chén ngọc" với những bí quyết võ công vô giá. Để thực hành được một cách nhuần nhuyễn, phải tính đến công sức luyện tập cả về thể chất và ý thức nhằm tạo được sự thống nhất thành một ý niệm duy nhất, như tính thuần khiết của viên ngọc. Đó chính là bí quyết khổ luyện của lối quyền âm - dương trong Ngọc Trản công.
Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]Như đã trình bày, kỹ thuật phổ biến nhất trong võ thuật Bình Định là võ Ta, tức võ thuật của triều Nguyễn phổ biến ở Đàng Trong [cần dẫn nguồn]. Còn võ Ta thực sự được truyền vào và phổ biến ở vùng này từ thời nào lại là điều rất cần được nghiên cứu về mặt lịch sử.
Sự ảnh hưởng của võ học thời Tây Sơn chỉ gói gọn trong một vài dòng võ và trong một vài bài bản riêng biệt không phổ biến, không nên xem võ thuật của Tây Sơn là nguồn gốc của tất cả các dòng phái võ thuật Bình Định.
Nhận định về vai trò của võ học Tây Sơn đến Võ Bình Định, Võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo có viết:
...Hầu như tất cả các thầy võ ở Bình Định đều cho rằng bài thảo bộ NGỌC TRẢN là bài thảo mực thước nhất, hoàn chỉnh nhất trong hệ thống tập luyện võ nghệ vùng Bình Định. Về chuyên môn chúng tôi đồng ý. Nhưng về lịch sử, tại sao chúng ta vừa cho rằng "đó là bài thảo thi của nhà Nguyễn" vừa lại khẳng định "đó là bài võ thuộc dòng Tây Sơn"? Sự võ đoán, hời hợt trong nghiên cứu là không thể chấp nhận được.
Nhiều người cho rằng nhà Tây Sơn có phát sinh ra một dòng võ. Theo tôi việc phong trào Tây Sơn có phát sinh hay không phát sinh ra một dòng võ không hề giảm đi giá trị mà nhà Tây Sơn đã cống hiến cho dân tộc, cho đất nước. Chúng ta cũng đừng lợi dụng uy tín của nhà Tây Sơn để nêu lên những điều chưa được nghiên cứu rõ ràng, chính xác hoặc xác định một cách vội vã, phi khoa học. Làm thế là có tội với tiên nhân và cả với lớp người sau. Phong trào nông dân ở thế kỷ 18 do anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo là một phong trào rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử lớn. Bởi vậy, dù muốn tìm hiểu một góc độ nào cũng cần có những kiến thức và hiểu biết cơ bản về dân tộc học, xã hội học, quân sự học… trong giai đoạn lịch sử đó. Được như vậy chúng ta mới giải quyết vấn đề xác đáng, cụ thể hơn...
Mặc dù rất nhiều người học võ thuật Bình Định từng thọ giáo các danh sư có gốc từ Trung Quốc như Khách Bút, hoặc Tàu Sáu (Diệp Trường Phát). Tuy nhiên, những bài bản võ thuật phổ biến ở Bình Định không hề có trong các bài bản của võ thuật Trung Quốc kể cả danh từ lẫn kỹ thuật. Vì vậy, việc phát biểu của một số võ sư học võ Trung Quốc như "Võ Bình Định là võ Thiếu Lâm" hoặc "Võ Bình Định bắt nguồn từ võ Thiếu Lâm" là không có cơ sở.
Các lò võ nổi tiếng
Dòng họ Trương (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ:
Ông tổ dòng họ Trương là Trương Đức Thường từ xứ Thanh Hà, Hải Dương vào khai sơn phá thạch ở vùng đất Tú Dương (thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bình Định) vào đầu thế kỷ 17 (khoảng năm 1605). Sau đó dồn đến định cư ở thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ, Bình Định cho đến ngày nay. Theo gia phả của dòng tộc để lại, dòng họ này có nhiều người học giỏi, thi đỗ cử nhân, cả văn lẫn võ trong thời nhà Nguyễn và hầu như đều theo nghiệp văn chương và nghiệp võ. Trong số đó có ông cử nhân võ Trương Trạch, thầy dạy của võ sư Trương Thanh Đăng, người sang lập ra võ đường Sa Long Cương ở Sài Gòn.
Dòng họ Đinh (thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn):
Ông Thủy tổ của dòng họ Đinh là Đinh Viết Hòe, sinh năm 1710 từ đất Ninh Bình phiêu bạt vào sinh cơ lập nghiệp tại ấp Thời Đôn (nay thuộc thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, Bình Định) vào khoảng năm 1730 và lấy thêm vợ thứ (ông Hòe đã có vợ ở quê nhà) là bà Nguyễn Thị Quyền, sinh năm 1715 và sinh được 3 người con Đinh Văn Diệm, Đinh Văn Nhưng, Đinh Văn Triêm. Đinh Văn Nhưng (còn gọi là Ông Chảng) chính là thầy dạy võ cho ba anh em Tây Sơn. Hiện nay dòng họ này đã đổi sang họ Đào (sinh Đào tử Đinh) và tất cả các tài liệu, hiện vật đều bị tiêu huỷ sau khi phong trào Tây Sơn thất bại. Tài liệu duy nhất của dòng họ này truyền lại đến nay được biết là một tập tư liệu cổ do võ sư Phan Thọ cung cấp trong đó có ký tên Đào Thống.
Dòng họ Trần (thôn Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn):
là võ sư Trần Kim Hùng có nguồn gốc từ xứ Nghệ An, người dạy võ cho ba anh em Tây Sơn. Sau này, trong "Tây Sơn ngũ phụng thư" có Trần Thị Lan, bà Lan được ông nội là võ sư Trần Kim Hùng truyền dạy võ nghệ, bà có biệt tài về kiếm thuật và luyện thân lanh lẹ như chim én, nên tự hiệu là Ngọc Yến. Người chị của Trần Thị Lan là Trần Thị Huệ, vợ của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc.
"Bóng trăng quằng quặc cây muồn
Chị Liên anh Thạch múa quyền đi roi"
Chị Liên tên thật là chị Lan như trên đã nói, còn anh Thạch quê Phù Mỹ nhưng không rõ nhân vật lịch sử này theo cố võ sư Phạm Thi (Tây Sơn, Bình Định).
Roi Thuận Truyền (thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn):
"Roi Thuận Truyền" trước xa nữa không rõ ông tổ là ai, nhưng đến đời ông Ba Ðề thì truyền cho Hồ Ngạnh. Hồ Nhu là tên thật của Hồ Ngạnh, sinh năm 1891, mất năm 1976. Ông nguyên quán thôn Háo Ngãi, xã Bình An, huyện Tây Sơn, trú quán ở Thuận Truyền, xã Bình Thuận cùng huyện. Cha là ông Ðốc Năm, một võ quan của triều Nguyễn. Mẹ cũng là con nhà võ. Ngay từ lúc bé, ông đã được cha mẹ dạy võ gia truyền. Lớn lên, ông học roi của cao sư Ba Ðề, học nội công của ông Ðội Sẻ, tiếp đến học roi của ông Hồ Khiêm. Ðường roi kết hợp tinh hoa của nhiều thầy, lại thêm nội công nên cứng cáp và sâu hiểm vô cùng. Từ roi thế, roi đấu, roi chiến đến roi trận, ông đều tinh thông và độc đáo. Khoảng năm 1932, tiếng tăm ông đã vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú. Nghe danh, học trò đến thọ giáo rất đông. Con trai chết sớm, ông truyền nghề cho cháu nội là ông Hồ Sừng. Học trò lớp lớn có ông Mười Mỹ (sinh năm 1912) ở Trường Úc, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước được riêng dạy ngón võ bí truyền. Học trò lớp sau có Ðinh Văn Tuấn ở Qui Nhơn, đang độ sung sức, nối nghiệp làm vẻ vang cho làng võ Thuận Truyền. Hồ Ngạnh được gọi là "võ sư huyền thoại".
Quyền An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn):
"Quyền An Vinh" có từ lâu, nhưng cũng chỉ biết từ đời ông Hương Mục Ngạc. Lò võ này còn có ông Năm Nghĩa, cũng là bạn đồng môn đồng khóa, nhưng sau lại chuyên về roi. Hương Mục Ngạc học quyền Bình Định (cô tổ của ông vốn là thầy dạy võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân) rồi học thêm quyền Tàu của ông Khách Bút. Ông nổi tiếng nhờ tổng hợp được nhiều nguồn võ khác nhau, tạo nên tay quyền xuất sắc nhất trong làng võ thuật Bình Định đương thời. ông có ba người con: Bảy Lụt, Tám Cảng (nữ) và Chín Giác đều tinh thông võ nghệ. Ông dạy nhiều học trò, có người nổi tiếng như Hai Tửu. Bảy Lụt chẳng những xuất sắc về võ thuật mà còn gan dạ và có sức mạnh đáng kể, với tay không có thể vật ngã một con trâu đực đang sung sức. Bảy Lụt truyền nghề cho ông Phan Thọ. Sau này ông Phan Thọ còn học thêm võ trận Tây Sơn với ông Sáu Hà nên đã tiếp thu được cả tinh hoa quyền An Vinh từ mạch võ Hương Mục Ngạc lẫn võ chiến của Tây Sơn.[5]
Quyền An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn):
An Thái vốn có những dòng võ truyền thống nổi tiếng nhưng đến năm 1924, một biến cố xảy đến cho làng võ Bình định nói chung và dòng võ truyền thống của làng An thái nói riêng. Ðó là sự xuất hiện của môn phái quyền Tàu. Người sáng lập ra môn phái này là ông Tàu Sáu, tên thật là Diệp Trường Phát, sinh năm 1896 tại An thái. Tuy là người Tàu nhưng dòng dõi ba đời đều ở An thái, bà nội và mẹ ông đều là người Việt. Ở quê mẹ, gia đình và bản thân Tàu Sáu đã hấp thụ tinh thần thượng võ nên khi được 13 tuổi, ông được gửi về Tàu để học võ từ những cao sư Bắc phái Thiếu Lâm. Sau 15 năm ròng rã tầm sư học võ, ông Tàu Sáu lúc bấy giờ đã 28 tuổi, trở lại An Thái, mở trường dạy quyền Tàu, sở trường hai môn Hổ quyền và Long quyền. Ông dạy võ gần 50 năm, môn đệ rất đông, không bao lâu phái quyền Tàu Thiếu Lâm của ông đã rải khắp miền đất võ và riêng ở An Thái, võ quyền truyền thống đã bị quyền Tàu lấn át làm lu mờ. Có người vì thế sửa lại câu truyền tụng từ xưa ra "roi Thuận Truyền, quyền An Thái".
Dân Bình Định đến với lò võ Tàu Sáu, có người vì xuất thân chuyên về quyền Tàu như Ðào Hoành, Hải Sơn; có người chỉ để bổ túc cho tay roi võ truyền thống được cứng cáp thêm như Mười Mỹ. Sau này con của ông, võ sư Diệp Bảo Sanh viết quyển "Võ thuật Bình Định chân truyền" trong đó gọi ông là tổ sư của võ phái An Thái. Võ thuật phái An Thái được truyền vào Sài Gòn với tên gọi Bình Thái Đạo. Ngày nay môn phái này có chưởng môn là bà Diệp Lệ Bích (cháu nội của ông Diệp Trường Phát).
Trong tục ngữ ca dao
Võ Bình định luôn luôn gắn liền với tên đất, tên người ở đây.
Roi Kinh, Quyền Bình Định.
Roi Thuận Truyền, Quyền An Vinh.
Trai An Thái, Gái An Vinh.
hoặc
Tiếng đồn An thái, Bình khê
Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo
hoặc
Dư Ðành sức mạnh quá trâu
Vùng lên đánh ngã cả xâu triều đình
Nổi tiếng nhất là câu ca dao sau:
Ai về Bình định mà coi
Đàn bà cũng biết múa roi, đi quyền
Tuy nhiên, đôi lúc cũng có những cô gái học võ không chỉ để phòng thân mà muốn phát huy cái đẹp của võ truyền thống như trường hợp Thanh Tùng, hoặc còn đi xa hơn, thi thố với đời, trở thành cao thủ trong làng võ. Điển hình có bà Mân sống vào thời chúa Nguyễn, cô Quyền vào giữa thế kỷ 19 và sang đầu thế kỷ 20 lại có Tám Cảng.
Bà Mân chưa phải là nhân vật lịch sử nhưng với tài võ nghệ, bà được dân Bình Định ca tụng qua bài vè Chú Lía dài 1434 câu thơ lục bát và được lưu truyền khắp các tỉnh miền Nam Trung phần.
Theo bài vè, bà Mân ở gần vùng Truông Mây, nơi sào huyệt của một đảng cướp lớn do cha Hồ chú Nhẫn và sau có thêm chú Lía cầm đầu, nay thuộc xã Ân Đức huyện Hoài Ân. Một hôm hai tên Hồ, Nhẫn đem cả lực lượng hùng hậu đến bắt heo nhà bà, cả làng khiếp sợ không ai dám tiếp cứu:
Lân la bốn chục theo rày
Thẳng đường xuống xóm chật đầy đường quan
Trong tay bà chỉ có cây roi ngắn nhưng với lòng can đảm và tự tin, bà xông ra cự địch với một đảng cướp mạnh khét tiếng trong vùng:
Mụ Mân độ khoảng bốn hai
Làu thông võ nghệ ít ai sánh bì
Thình lình chưa biết việc chi
Tiện tay mụ với tức thì đoản côn
Bước ra thấy rõ thiệt hơn
Mụ không thèm hỏi huơ côn đánh liền.
Ai cũng tưởng phen này bà Mân bị nát thây vì hai tên Hồ, Nhẫn không những võ nghệ phi thường mà còn hung bạo chưa từng có. Nhưng không may cho chúng, thế võ của bà sâu hiểm vô cùng, áp đảo được ngay đối thủ:
Cả ba vùng vẫy đua tranh
Mụ Mân quả thực liệt oanh ai tày
Chỉ mới so tài ở hiệp đầu mà bọn cướp đã bị ngọn roi thần của bà cuốn người như bão táp, chúng phải đổi từ thế công sang thế thủ rồi tìm đường tháo lui:
Phút thôi Hồ, Nhẫn cả hai
Đuối tay kéo chạy như bay khác nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét