Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Chuyên gia cây cảnh Trần Đình Hòa


Ở Phù Cát, nói tới cây cảnh và thành công trong nghề cây cảnh không thể không nói tới anh Trần Đình Hòa, học sinh khóa 1985 trường Phù Cát 1.


Bình Định là xứ "đất võ trời văn", đời sống văn hóa tinh thần khá cao. Về Phù Cát, hầu như không nhà nào ít thì một vài, nhiều thì hàng chục, thậm chí hàng trăm chậu cây cảnh, hoa lá các loại. Dù không hẳn là khá giả, dân Bình Định nói chuyện mua bán những chậu cây cảnh trị giá chục triệu, trăm triệu đồng cứ nhẹ tênh, nghe rất ... sướng!

Dân cây cảnh Phù Cát hẳn ai cũng biết anh Trần Đình Hòa (gọi thân mật là Hòa lùn, vì anh có chiều cao khá khiêm tốn và đen thui. Hi).

Vì học cùng khóa, nên tôi quen biết anh bạn Hòa từ những năm học cấp 3. Dù không cùng lớp, nhưng mỗi lần lớp tôi (lớp D) đạp xe đạp xuống Cát Tiến chơi biển, thế nào cũng ghé nhà Hòa để ... ngắm cây cảnh. Nhà Hòa nổi tiếng về cây cảnh từ trước những năm 1975. Thời điểm 1985 nhà Hòa đã rất nhiều cây cảnh thuộc hàng lão, mà theo lời Hòa là từ đời ông nội, cha để lại. Cũng cần phải nói là thời điểm này cây cảnh chưa có giá trị gì nhiều, không có chuyện mua bán mà chủ yếu là thú chơi. Tôi còn nhớ lúc đó trong sân nhà Hòa có hàng chục chậu Tùng, nhánh đen thui, đầy vảy gai, rất đẹp và lạ. (Nhưng bây giờ không còn nữa rồi. Hòa nói xứ mình cây Tùng không hợp nên khó sống).

Nghe nói thầy Lê Ngọc Ẩn (nguyên hiệu trưởng trường Phù Cát 1) cũng chính từ cảm hứng lấy từ vườn cây cảnh nhà Hòa mà về gầy dựng vườn cây cảnh thuộc hàng độc nhất, vô nhị (chuyên về Sanh và Mai) như hiện nay. Nhớ lại, đúng là từ những năm 1985 thầy Ẩn đã bắt đầu gầy dựng vườn cây cảnh của mình thật.

Sau này sống xa Phù Cát, mỗi lần có dịp, tôi cũng thường ghé nhà Hòa xem cây cảnh. Và cảm thấy vui khi nghe bạn bè nói Hòa đã thành công, trở nên khá giả nhờ vào cây cảnh. Nghe nói Hòa có những cây cảnh thuộc hàng quý hiếm, giá trị lớn và nhiều lần đoạt giải nhất (huy chương vàng) trong các cuộc thi cây cảnh trong tỉnh.

Nhớ một lần cách nay khoảng 5 năm, có một tết nọ nhóm bạn ghé nhà Hòa chơi. Tôi nói: "Hòa, cây nào đẹp nhất, quý nhất của mày đâu, mày chỉ tao xem, để tao chụp một tấm hình làm kỷ niệm coi". Thế là Hòa dẫn tôi lên sân thượng, chỉ vào một gốc Sanh to tướng, nhưng dáng vóc thì cũng vừa vừa, đang bị khóa bởi một vòng xích mà nói "cây này". Tôi hỏi sao phải xích như vậy, Hòa cười "sợ bị rinh trộm". Nói thế để biết Hòa quý cây này cỡ nào. Vì muốn trộm được cụ cây, tên trộm (dĩ nhiên là giả tưởng thôi) phải bẻ khóa vào nhà Hòa, rồi leo lên sân thượng, rồi phá sợi dây xích ... Bất khả thi. (Tấm ảnh chụp chung với cây này tôi vẫn còn giữ).

Cuối tháng 11-2013, trong một lần về thăm nhà, bạn bè rủ đi Cát Tiến chơi, tôi cũng cố gắng rủ mọi người ghé nhà Hòa để mong thăm lại vườn cây cảnh.

Ngoài căn nhà cũ trong xóm, nay Hòa đã tậu được một cơ ngơi rất hoành tráng ngoài đường chính. Đó là một khu đất rộng, đặt hàng trăm chậu cây cảnh. Hòa còn có một ngôi nhà gỗ cổ đặt lên trên sân thượng. Nói chung là rất ấn tượng, rất đẹp. Nơi này mà mở một quá cà phê thì rất đẹp.

Có cái ngộ là lần nào tôi ghé nhà Hòa thì cũng là buổi tối, lại thường đang trong trạng thái "say xỉn" (gặp bạn bè thì phải nhậu chớ), nên ảnh chụp không được đẹp. Chính vì vậy, những bức ảnh dưới đây (chụp vào một buổi tối mùa đông năm 2013) chắc chắn không diễn tả hết vẻ đẹp của những cây cảnh của Hòa.

Trần Đình Hòa là bạn tôi, nhưng ngoài xã hội anh là một doanh nhân chuyên về cây cảnh. Chính vì vậy, tôi gọi Hòa với phần đệm là "chuyên gia cây cảnh" chắc cũng không có gì là quá.

Hãy cùng ngắm một số cây cảnh của anh Trần Đình Hòa  Cát Tiến, Phù Cát).

Trần Hồng Phong

----------------














-----------------------

Bên lề: Ảnh kỷ niệm bạn bè cuối 11/2013








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét