Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Ngô Tùng Châu là ai?


Nhân vật lịch sử Ngô Tùng Châu được xem là trung thần của nhà Nguyễn Gia Miêu. Tuy nhiên thân thế và sự nghiệp của ông được chép rất đơn sơ trong “Đại Nam chính biên Liệt truyện”, “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn và một số sử sách sau này: “Danh nhân Bình Định” (Bùi Văn Lăng), “Nhân vật Bình Định” (Đặng Quí Địch) … Vừa qua, hậu duệ đời thứ 7 của ông, cụ Ngô Tùng Thuật 83 tuổi, đã cung cấp một số tư liệu về Ngô Tùng Châu chưa được sách sử ghi chép.





Cổng và bình phong Lăng Ngô Tùng Châu ở Gò Tháp thôn Thái Định (nay là Thái Thuận), xã Cát Tài, huyện Phù Cát.

Cụ Ngô Tùng Thuật 83 tuổi, hiện đang ở thôn thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát. Là hậu duệ đời thứ 7 thuộc phái nhứt của Ngô Tùng Châu, cụ là người trực tiếp chăm sóc mộ phần và tế lễ Ngô Tùng Châu cùng vợ và hai người con trai của ông. Hiện nay, cụ Ngô Tùng Thuật đang giữ hai bản sắc phong (bản dịch) của Ngô Tùng Châu, bài vị của vợ ông, các cặp đối liễn của Thượng thư Bộ Binh – Phạm Liệu, Đào Tấn, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo, Lâm Tăng Sum, Đốc học – Ngô Lê Tố và tư liệu dòng tộc ghi chép về thân thế sự nghiệp Ngô Tùng Châu.

Mặc dù, đã có một số sử sách xưa và nay viết về nhân vật lịch sử Ngô Tùng Châu. Tuy nhiên, những ghi chép ấy chỉ có quê quán, chức vụ và xoay quanh sự kiện lịch sử ở thành Bình Định năm Tân Dậu (1801); còn về thân thế, hành trạng của ông quá ít, ngay cả năm sinh cũng không có.


Mộ Ngô Tùng Châu.

Theo tư liệu ghi chép của dòng tộc, Ngô Tùng Châu sinh năm Nhâm Thân - 1752, thân phụ là Ngô Tùng Trang, chánh quán làng Thái Định, phủ Phù Ly (nay là thôn Thái Thuận, huyện Phù Cát). Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, Ngô Tùng Trang giữ chức Thơ lại phủ Phù Ly. Năm Giáp Thân (1764), phong chức Tri điền tuấn sự, được chúa Nguyễn điều vào huyện Gò Công, tỉnh Gia Định, mang theo 100 dân đinh vào khai khẩn ruộng hoang quy dân lập ấp. Tháng 7 năm Giáp Thân, Ngô Tùng Trang lãnh sứ mạng vào Nam cùng với dân đinh và đưa con trai là Ngô Tùng Châu cùng đi để được gần gũi cha theo nghiệp bút nghiên.

Ở Gia Định, Ngô Tùng Châu theo học thầy Võ Trường Toản – một nhà nho ẩn dật, nổi tiếng học rộng, đức hạnh hơn người, được nhân sĩ trí thức lục tỉnh suy tôn là bậc “thầy chung”. Nhà giáo Võ Trường Toản có đến mấy trăm học trò, Ngô Tùng Châu là môn đệ xuất sắc nhất. Thứ đến là Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh. Học trò ông, ngoài những bậc nhân tài lập nên công nghiệp lớn, còn có những nho sĩ tiết tháo như: Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt ..



 Mộ vợ Ngô Tùng Châu - bà Võ Thị Lội.

Năm Canh Dần (1770), Ngô Tùng Châu gặp Võ Tánh kết nghĩa anh em. Năm Nhâm Thìn (1772), Ngô Tùng Châu cưới em gái của Võ Tánh là Võ Thị Lội. Hôn lễ được tổ chức tại tư gia Võ Tánh, xã Bảo Can, huyện Gò Công, tỉnh Gia Định. Từ đó, Ngô Tùng Châu được chúa Nguyễn trọng dụng, giữ các trọng trách: Viện Hàn Lâm, rồi thăng Chế cáo, coi việc điền tuấn, Lễ bộ Tham tri, Đông cung Phụ đạo.

Tháng 6 năm Giáp Thìn (1784), trong lúc chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, Ngô Tùng Trang hồi hương làng Thái Định cùng với vợ và 2 con của Ngô Tùng Châu là Ngô Tùng Quang và Ngô Tùng Hòa. Năm kỷ Dậu (1789), cháu nội trưởng Ngô Tùng Quang bị bệnh mất, thứ tôn Ngô Tùng Hòa phụng tự ông bà, sanh con cháu nối nghiệp đến các đời sau.



 Mộ con Ngô Tùng Châu.

Năm Kỷ Mùi (1799), Ngô Tùng Châu hiệp cùng Võ Tánh trấn thành Bình Định. Bị quân nhà Tây Sơn vây thành, năm 1801 ông uống thuốc độc tự vẫn. Năm Gia Long thứ 1 (1802), ông được phong tặng Tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Trụ quốc, Thái tử Thái sư, Quận công, tên thụy là Trung Ý. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), truy tặng  Tá vận Công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, Thiếu sư kiêm Thái tử Thái sư, đổi tên thụy là Trung Mẫn, phong là Ninh Hòa Quận công (con cháu đời đời tập ấm). Dòng họ Ngô được tập ấm đến đời thứ 6 – Ngô Tùng Du.



Cổng, bình phong Lăng - Mộ Ngô Tùng Châu.

Sau khi mất, ông được nhà Tây Sơn an táng trong khu thành Bình Định (Hoàng Đế). Ba năm sau, mộ ông được nhà Nguyễn cải táng về quê, tại Gò Tháp (Gò Lăng), chân dãy Núi Bà thuộc thôn Thái Định, xã Cát Tài, huyện Phù Cát và xây lăng - mộ cho ông khá khang trang. Cơn bão năm Dậu (1932) Lăng của ông bị sập, được các nhân sĩ Bình Định tu sửa, do cụ Đào Phan Duân đốc công. Sau đó, Lăng bị chiến tranh tàn phá, hiện nay còn lại hai trụ cổng, bình phong và nền móng điện thờ.

Sau khi Ngô Tùng Châu mất, bà Võ Thị Lội vẫn ở lại quê chồng sống cùng con cháu. Mỗi năm bà về quê Gò Công thăm bà con một lần. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua sắc lệnh cấp cho bà mỗi năm 50 quan tiền và 50 phương gạo. Bài vị của bà đang được tộc Ngô thờ cúng có ghi: “Võ húy thị Lội sanh Giáp Tuất niên (1754), hưởng linh 85 tuổi, mất vào năm Mậu Tuất (1838), giờ Tuất, ngày 24 tháng 6. Mộ xây hướng Càn tốn kiêm Thìn tuất”. Mộ của Ngô Tùng Châu cùng mộ vợ - Võ Thị Lội và mộ của 2 người con trai an táng kề nhau trong khu Lăng của ông, được nhà Nguyễn cho xây kiên cố bằng vôi.



 Bài vị bà Võ Thị Lội (em ruột Võ Tánh) - vợ Ngô Tùng Châu

Năm 1969, đạo “Cao đài tiên thiên” cùng dòng tộc Ngô xây lăng “Ninh Hòa Quận công tự” tại địa điểm mới: Cầu Hiệu, thôn Thái Định. Sau ngày giải phóng, Lăng Ngô Tùng Châu được trưng dụng làm trụ sở UBND xã Cát Tài đến ngày nay.

Mặc dù sinh quán của ông là Bình Định, sự nghiệp công danh của ông cũng để dấu ấn tại Bình Định, thế nhưng về thân thế sự nghiệp nhân vật lịch sử Ngô Tùng Châu trong sử sách ghi chép quá ít. Với những tư liệu mới của dòng tộc cung cấp, sẽ giúp chúng ta, những thế hệ mai sau hiểu về ông nhiều hơn.

( Theo báo Bình Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét