Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. Cảnh quan như vậy nên trong các sách cổ nơi đây có tên đầm Biển Cạn.
Trong đầm ở gần bờ phía Tây có một núi nhỏ nổi lên hình dáng trông xa tựa như một ngôi tháp cổ, tục danh gọi là tháp Thầy Bói. Có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay trên miếu này vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, nhưng không phải ngọn tháp kia mà do dân chài lập ra để thờ thủy thần. Lại có thuyết cho rằng từ xưa đến nay ở đây chẳng có tháp nào cả. Gọi là tháp chẳng qua vì khóm đá trông xa hình thuôn như cái tháp mà thôi. Còn Thầy Bói ở đây là tên một giống chim ăn cá, ngoài Bắc gọi là chim Bói Cá, có người Bình Định gọi là chim Thầy Bói.
Đầm nước cạn, dễ bắt cá nên loài chim này kéo về đây kiếm ăn rất nhiều. Lúc mỏi cách chim thường tụ tập trên các khối đá nên có tên như vậy. Không rõ thực hư ra sao, cách giải thích nào là đúng, nhưng tháp Thầy Bói nhô lên trên đầm đã làm cho cảnh quan thêm sinh động, duyên dáng. Mỗi buổi ban mai, trước khi mặt trời nhô lên khỏi dãy Triều Châu, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên.
Đầm Thị Nại nổi tiếng là nhiều cá và cá ngon, nhất là cá Nục. Có hai loại cá Nục: Nục Vọng và Nục Gai. Cá nhiều ăn không hết, người ta phơi khô, làm mắm. Làm muối, nấu mắm là những nghề truyền thống có từ lâu đời của cư dân sống quanh đầm. Ai đã vào Bình Định hẳn không quên hương vị nước mắm Gò Bồi, thứ mắm làm từ cá Nục Thị Nại. Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã. Trong tiếng Việt cổ, giã là biển. Sau này ở một số vùng giã trở thành từ chỉ nghề đánh cá biển. Có lẽ trước đây cửa biển này là nơi thường xuyên ra vào của thuyền bè đánh cá nên mới có tên như vậy và từ lâu những sản phẩm của biển cả đã ngược theo sông Kôn lên đến tận miền thượng để đổi lấy sản phẩm. "Ai về cửa Giã chiều hôm, Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên" Thông thường cửa này vẫn thường được gọi là cửa Thị Nại. Cửa được tạo bởi Mũi Rùa bên bờ phía Tây và Gành Hổ thuộc dãy núi Phương Mai bên bờ Đông, trong thế "thủy khẩu giao nha". Theo quan niệm phong thủy, đó là một hình thể đẹp.
Sưu tầm
------------------------Cầu vượt đầm Thị Nại
Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội). Do Công ty CP tư vấn thiết kế đường bộ Khảo sát và thiết kế (các bước BCNCKT, TKKT, BVTC).
- Phần chính của cầu dài 2.477,3 m, rộng 14,5 m.
- Sơ đồ nhịp: 25x40+(70+3 x 120+70)+24x40.
- Cầu vượt biển bằng BTCT DƯL có chiều dài lớn nhất tại Việt Nam.
- Nối liền thành phố Quy Nhơn với khu đô thị mới trên bán đảo Nhơn Hội.
- Tĩnh không thông thuyền: Sông cấp II, B = 60m, H = 9m.
- Kết cấu nhịp: Dầm hộp liên tục BTCT DƯL đúc hẫng cân bằng. Dầm giản đơn Super “T”.
- Kết cấu móng: Cọc khoan nhồi D = 1,5m và D = 1,2m.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét