Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Thầy tôi


Từ trái qua: Thầy Phụng, chị Trần Thuận, thầy Thuận (nay dạy ở trường Tuy Phước 1) và thầy Hùng trong sân trường Phù Cát 1 năm 2013. 
Trần Thuận 
(khóa 1980-1983)

Lời giới thiệu của Trần Hồng Phong (khóa 1985): Tình cờ tôi vào facebook của chị Trần Thuận nên đọc được bài viết này. Một câu chuyện xúc động về tình cảm thầy trò. Những tình tiết trong câu chuyện không phải là kể lể nghèo khổ hay gợi lòng thương hại, và khiến người đọc, nhất là học trò Phù Cát 1 phải lặng đi, suy nghĩ. Cũng thật ngẫu nhiên, tôi là người học cùng khóa với người em trai của chị Thuận, là Hòa, mà chị có nhắc tới trong bài viết. Còn nhớ khoảng năm 1988, trưa ngày 30 Tết, trong không khí xôn xao rạo rực của ngày cuối năm, khi mà ai cũng cố hoàn thành những công việc cuối cùng để đón giao thừa, tôi (ở SG về ăn tết) cùng một nhóm bạn đang ngồi nhậu (uống rượu Bàu Đá) tán phét nói cười, làm thơ trong nhà một người bạn năm ngay mặt đường QL1. Thì bất ngờ Hòa xuất hiện trước cửa trên một chiếc xe đạp cà tàng, nét mặt buồn buồn, phía sau là một bó hoa lay ơn to tướng, đỏ thắm, rực rỡ. Thì ra Hòa từ Cát Tiến đạp xe chở hoa lên Phù Cát bán để có tiền tiêu tết. Nhưng mà đã trưa không bán được bông nào! Cả nhóm chúng tôi đều lặng người. Rồi sau đó kéo Hòa vào ngồi nhậu tiếp. Còn bó hoa thì cả bọn "cam kết" sẽ mua hết. Khi đó, chúng tôi còn quá trẻ, nên ai cũng vô tư. Mọi người, cả Hòa, đều vui vẻ, cụng ly ào ào, say túy lúy! Khi tôi mang phần hoa của mình về và kể lại câu chuyện, cả nhà tôi đều xúc động. Nhưng câu chuyện bán hoa của Hòa thì tới nay chúng tôi vẫn không quên. Tết về thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Hòa, ghé nhà Hòa ở Cát Tiến. Và chúng tôi vẫn xem đó là câu chuyện riêng của nhóm bạn. (Vả chăng còn có biết bao người khác cũng từng nghèo khó như thế). Thế nhưng câu chuyện mà chị Trần Thuận, chị Hòa, viết và tặng thầy Phụng nhân ngày Nhà giáo 2014 này làm tôi xúc động, chợt nhớ và muốn chia sẻ thêm câu chuyện của Hòa như nói trên. Để cùng nhớ và thêm yêu mến trường Phù Cát 1 của chúng ta.

Điểm danh 15 phút đầu giờ mỗi buổi học, khi lớp trưởng đọc tên theo thứ tự của danh sách lớp 11C tôi. Tôi học ban C khi vào lớp 10, sau đó xóa ban và thầy chủ nhiệm lớp liên tục 3 năm liền thời trung học phổ thông. Khi nào tới tên tôi và không có tiếng trả lời là cả lớp đồng thanh: 

- Chợ phiên………

Học sinh vắng mặt nhiều sẽ bị kiểm điểm và hơn 30 buổi trong một năm là bị đuổi học. Tôi nằm trong số đó (không phải tôi lười học đâu nha).

Thường là những tháng kề cận cuối mỗi năm như tháng 11 và tháng chạp, buôn bán đắt hàng và bận rộn hơn những tháng khác trong năm. Tôi không ngoại lệ, vì gia đình sống nhờ gánh buôn bán nhỏ này. Mọi việc tôi là cánh tay khỏe không thể thiếu được của mẹ tôi trong mỗi buổi phiên chợ ấy. Có lẻ một chút “tứ lợi khẩu” nhanh nhảu nên buôn bán rất được lòng khách và vui vẻ. Kinh tế chật vât khó khăn nên tôi thường phải nghỉ học vào nhưng PHIÊN chợ chính những ngày cuối năm.

 ..... Vào thời ấy... những năm đầu của 80, tôi đã vào trường trung học. những năm đầy khó khăn của thời bao cấp. Được đến trường đã là may mắn, học tiếp tục được cần sự cố gắng rất lớn đối với học nữ học sinh như tôi.

Như mới hôm qua, ấy thế mà hơn 30 rồi đó. Cái thuở ăn cơm độn khoai mì lát khô, buổi sáng với chén cơm nguội là ngon nhất đó. Quê tôi miền trung, Bình Định là nơi đất khô cằn, củ mì (khoai mì) làm thành bột hai loại: bột mì nhứt (bột lọc), bột nhì ( bột chưa được lọc). Khuấy vào mỗi buổi sáng chấm với nước mắm ớt là xong bữa. Đi bộ đến trường dù trường cũng không phải là gần.

Gia đình tôi sống với ruộng nương, thêm gánh hàng chiếu nơi thị trấn nhỏ. Tôi và mẹ ở nơi này lo về việc buôn bán phụ giúp tài chính cho gia đình. Vừa học vừa phụ mẹ chợ búa mỗi ngày, nhất là phiên chợ chính. Năm ngày là một phiên chợ nơi tôi ở gọi là chợ An Hành, thị trấn Ngô Mây, Phù Cát, Bình Định. Còn lại là liền kề nhau các phiên chợ phụ gần đó….

Ba tôi vì tai nạn lao động khi mới về quê sản xuất sau 1975, đã không còn nguyên vẹn đôi chân. Mỗi sự nặng nhọc đồng án đè trên đôi vai hai chị gái của tôi phải nghỉ học . Gia đình ưu tiên cho hai người con trai học hành, và tôi là con gái trong gia đình may mắn nhất là vẫn được đến trường…..

Nhớ lại những khó khăn lúc ấy…. mẹ tôi không được khỏe vì những thương tích năm mậu thân 1968, việc nặng nhọc của những bó chiếu cuộn tròn của mỗi ngày là quá nặng với mẹ tôi. Tôi đã mỗi ngày gánh vác vì sức trẻ. Chiếc xe đạp và cộ thồ ra chợ hoặc khi mua bán hàng là phương tiện duy nhất khi ấy.

Và tôi đã nghỉ học, mẹ tôi đồng lòng. Con gái học thế cũng được rồi. Môt tuần trôi qua…tôi rất buồn, nhưng vì gia đình tôi đành chịu vậy.

Khi ba tôi hay tin này, dù rằng với cơ thể không nguyên vẹn với cây nạn gỗ, ba đã đi gần 30 km từ dưới quê đến thị trấn này, khóc cùng tôi trong một buổi sớm khi phiên chợ bắt đầu. Lời của ba dặn dò và khắc phục khó khăn trước mắt này. Ba tôi sẽ tập trị liệu để tháp chân giả và sẽ đi mỗi phiên chợ ấy cùng phụ mẹ bán hàng… để tôi phải được đi học lại. Và sáng hôm ấy tôi được đi học trỡ lại….

Với cả tuần nghỉ học, nghỉ những ngày phiên chợ ( 5 ngày là một ngày phiên chợ chợ chính). Thầy chủ nhiệm của tôi giảng dạy môn vật lý rất giỏi, Dáng người gầy gầy chất phát và nghiêm nghị. Thầy cùng cả lớp đưa một ý kiến chung để giúp tôi tiếp tục học lại và với điều kiện mỗi phiên chợ ấy được nghỉ phụ giúp gia đình với điều kiện hứa với thầy và lớp:

- Bài vở ghi chép đầy đủ, thuộc và hiểu bài? Còn ngày nghỉ “ấy” coi như không có (cả lớp bao che), có được không?

Tôi vui và nghẹn lòng:

- Dạ được, em hứa!

Và tôi đã làm được. Tôi học không giỏi lắm nhưng cũng đủ để vượt qua tất cả. Thường là đến thời kỳ trung học thời ấy, con gái thường học kém lại so với con trai. Có lẻ vì nhiều lý do… Tôi là học sinh khá giỏi của lớp khi là tiểu học cơ sở. Với chức vụ trưởng ban báo chí liên tục nhiều năm ấy (có lẻ tôi vẽ được nhất lớp).

Mỗi phiên chợ cuối năm về….. tôi vắng mặt, cả lớp điểm danh đến tên tôi đồng thanh:

- Chợ phiên……

...................

Kính tặng thầy Lê Hồng Phụng, chủ nhiệm 3 năm của tôi khóa học 1980-1983 trường PTTH Phù Cát một Lời TRI ÂN sâu sắc - Nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam 2014. Học trò cũ Trần Thuận.

2 nhận xét:

  1. Nội dung câu chuyện vẫn là khó khăn thời bao cấp.
    Nhưng nó nổi bật chữ TÌNH giữa: thầy với trò, cha và con, bạn đồng môn.
    Qua câu chuyện tôi cũng có dịp nhớ lại nhưng "đặc sản" của miền quê Bình Định.
    Cám ơn chị Thuận!
    E cũng là bạn cùng lớp cấp 3 của Trần Đình Hòa (em chị) và cũng đã gặp chị ở Cát tiến cũng như Tân Bình, Sài Gòn.
    Qua câu chuyện chị cũng nhắc đến Ba chị và E cũng đã có dịp gặp Bác. Nhân đây xin thắp cho Bác 1 nén nhang.
    Cám ơn tất cả!

    Trả lờiXóa
  2. Chị Thuận cám ơn em đã đọc và đồng cảm một thời của chị em mình còn ngồi trên ghế nhà trường Phù Cát 1 thân yêu.
    Chị nhớ em mà.
    Hiiiiiiiiiii.....

    Trả lờiXóa