Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Tản mạn về hát Bội (Tuồng) Bình Định



Nói về quê hương Bình định, người ta thường nghĩ ngay đến các anh hùng liệt sĩ đã làm vang danh rạng rỡ trong lịch sử Việt nam: Quang Trung Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Bùi thị Xuân, Ngô tùng Châu, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ v.v... Nơi đó cũng là cái nôi của Võ thuật miền Trung được diễn tả đấy đủ trong câu ca dao:

Ai về Bình định mà coi
Con gái Bình định cầm roi đi quyền


 Bình Định cũng là nơi phổ biến thịnh hành tuồng Hát bội.

1.- Trước tiên, danh từ Hát bội và nghệ thuật Tuồng có từ thời nhà Trần nước ta (1226-1399). Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược với ba trận đánh khốc liệt, Hưng Ðạo vương Trần Quốc Tuấn bắt được ông Lý Nguyên Cát người Trung hoa, ông này có tài về hát tuồng diễn kịch, giao cho tướng Trần Nhật Duật tổ chức các đội hát tuồng để ủy lạo, giúp vui cho tướng sĩ. Danh từ Hát bội có từ đó, vì cách tổ chức trình diễn theo lối bát điệu (tám mặt), hình thức tám cái sân khấu đâu lưng nhau, quay mặt ra tám hướng theo hình bát quái: Tây Bắc, chánh Bắc, Ðông bắc, chánh Ðông, Ðông Nam, chánh Nam, Tây Nam, chánh Tây. (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Ðoài). Một đội tuồng gồm tám đoàn nhỏ, rất đông đào kép, nghệ sĩ. Tám sân khấu đều hát chung một tuồng, cùng một lúc. Hướng Tây Bắc dành cho vua, gia đình của vua và các quan đại thần thưởng lãm vì hướng này thuộc Càn tượng trưng cho Trời (Thiên tử: vua là con của Trời), các cửa sân khấu khác dành cho các hạng tùy theo thứ bậc, phẩm hàm, của các quan trong triều kể cả gia đình thứ dân, do vậy người nào cũng được xem ở bất cứ hướng nào, nên người ta gọi là hát bội. Bội là gấp lên, nhân lên, như một tấm gương phản chiếu hình ảnh khắp mọi nơi. Ví dụ: hát tuồng Cổ thành (Quan Công phò nhị tẩu) thì khi đến lớp tuồng Trương Liên lên giáo đầu (khổ đầu) thì cả tám sân khấu đều có nhân vật Trương Liêu cùng vẽ đúng một khuôn mặt, quần áo, mũ hia đều giống nhau.

Mãi về sau này, vì hoàn cảnh xã hội, vì kinh tế, người ta giản lược đi, ở triều đình chỉ còn hát tứ diện (4 mặt sân khấu) và trong dân gian, các gia đình có thế lực hay cự phú, người ta tổ chức hát lưỡng diện (hai mặt sân khấu) mới đủ khả năng kêu gọi đào kép qui tụ và tiền bạc để nuôi ăn cho nghệ sĩ (con hát). Ví dụ: Năm 1930, ông chánh tổng Ky (cha của ông Nguyễn An Thạch, bà con của anh Nguyễn An Phong) tổ chức hát bôi lưỡng diện ở thôn Càn rang xã Cát thắng, Phù cát. Năm 1932, cụ tuần Bửu Xuyên (tức cụ Ðào Phan Duân ở thôn Biểu chánh, xã Phước hưng, Tuy phước) cũng tổ chức hát bội có hai sân khấu.

Do vậy mà ta có thể nói là hát bội chứ không phải hát bộ được. Việc tranh cãi về từ "Hát Bội" và "Hát Bộ" đã xảy ra nhiều lần, nhất là trước 1975. Có nhiều người không rõ nguyên do và lý luận theo mỗi cách khác nhau đã biện hộ cho ý kiến của mình. Người chấp nhận chữ BỘI thì cho rằng vì các vở tuồng hát bội chỉ lấy nét chính của một tuồng tích mà dựng lớp. Một câu chuyện dài như Ngũ Hổ Bình Tây, Phản Ðường, mà chỉ lấy khoảng 10 lớp diễn là đủ cả câu chuyện nên gọi là xếp lại, gấp lại, nhân lên mà gọi là Bội. Có người còn cho rằng chữ Bội là bội bạc, các đào kép hát thường lãng mạn, có cuộc sống thiếu đạo đức hay bội phản về tình duyên, nên gọi là HÁT BỘI. Người cho chữ BỘ là đúng thì quan niệm rằng hát bộ là phải có bộ tịch, múa may, chỉ trỏ cho đúng với ý nghĩa của câu tuồng nên gọi là HÁT BỘ, hoặc cho rằng khi cụ Ðào Tấn còn làm quan, được vua cho lập bộ Ðình để trùng hưng lại môn hát bộ mà cho là Hát Bộ chứ không phải Bội. Cả hai trường hợp lý luận như vậy thì ta thấy trong nghệ thuật cải lương cũng có. Tuồng cải lương cũng diễn tả những câu chuyện Tàu, cũng lấy lớp ngắn lại và diễn xuất điệu bộ rất công phu, nhất là cải lương Hồ quảng, sao người ta không gọi là Hát Bội hay Hát Bộ?




2.- Nguyên nhân hát bội thịnh hành, phổ biến rộng rãi ở miền Trung và nhất là Bình Định.

Trước nhất là ông Ðào Duy Từ được gọi là ông tổ hát bội đầu tiên của Bình định. Ai cũng biết ông Ðào Duy Từ là một người có tài quân sự điều binh khiển tướng như Khổng Minh Gia Cát Lượng, ông đã tự ví mình như Gia Cát Võ Hầu nên sáng tác tập thơ "Ngọa Long Cương vãn". Ông là người tài kiêm văn võ, rể của tể tướng Trần Ðức Hoà, cánh tay mặt của Chúa Hiền ở Ðàng Trong, Ông được phong chức Táng tương Quân vụ, người dân thường gọi ông là "Nội Táng hầu", có câu ca dao:

Thương em, anh cũng muốn vô
 Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang
 Phá Tam giang ngày nay đã cạn
 Truông nhà Hồ Nội táng giới nghiêm...

 Ông đã có công đắp lũy gọi là Lũy Thầy (chữ thầy là chỉ ông Ðào Duy Từ) để chống quân chúa Trịnh ở miền Bắc, nhưng ông cũng là người rất sành về ca nhạc, thi thơ, ông là con của một nữ đào hát nổi tiếng ở kinh thành Thăng long, học giỏi, tài cao nhưng không được đi thi vì là con của đào hát thuộc tầng lớp "xướng ca vô loại", do vậy, ông đã bỏ vào Nam thi thố tài năng sở học của mình và được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông Ðào DuyTừ đã đặt các tuồng hát bội và tổ chức những đoàn hát. Với các vở tuồng rất hay đến ngày nay vẫn còn lưu truyền: San Hậu (Ông Ðình, Ðổng Kim Lân, Khương Ninh Tá), Sơn Hà Xã Tắc, nội dung đều mang ý nghĩa phục thù, rửa hận: Nịnh thần soán đoạt ngôi vua, trung thần phò ấu chúa trốn chạy ra miền biên cương tìm căn cứ gầy dựng lại binh lực, chiêu hiền đãi sĩ để diệt chế độ do nịnh thần thống trị, cũng giống như trường hợp Nguyễn Hoàng vào Nam muốn diệt Trịnh phò Lê. Việc tổ chức hát tuồng, hát bội trở thành lợi khí chính trị vận động đồng bào miền Nam gia nhập quân đội chống lại miền Bắc, vừa giải trí giúp vui cho quân sĩ lúc xa nhà.

Ta sẽ thấy tài nghệ văn chương của ông Ðào Duy Từ ở đoạn văn hát Nam Ai sau đây của nhân vật Ðổng Kim Lân trong lúc trở về Sơn Hậu:

(Tán): Xếp ngọn ngũ lui khỏi Tạ Thành
 (Chi nữa) Lên Cật Ký trông chừng San Hậu
 Nam: San Hậu phản phản lối cũ
Ðoái Tạ thành (còn đọc là thiềng) lụy đổ dường mưa
 Ngọn cờ, tiếng trống bơ thờ
(Mẹ, mẹ ơi, con biết liệu làm sao đây!)
 Thảo thân, ngay chúa sững sờ hai vai
 (Hò, họ)
Bước đường mai, phong ai chi sá
 San Hậu thành đoái đã gần đây.

 Tâm sự của một người tướng tài như Ðổng Kim Lân, bị Tạ Ôn Ðình bắt mẹ treo trên đầu thành, bảo Kim Lân phải đầu hàng, nỗi lòng buồn như thất trận của một vị tướng: "Ngọn cờ, tiếng trống bơ thờ" thật là não nề thê thiết. Nều đầu hàng địch là bất trung mà không đầu là bất hiếu: "Thảo thân, ngay chúa, sững sờ hai vai". Chữ "sững sờ" thật là đắc địa không còn chữ nào thế được!

Hiện nay tại Bình định, họ Trần và họ Ðào còn dòng dõi rải rác ở các huyện Phù Cát, An Nhơn, Tuy phước.

Và giữa triều Nguyễn, Bình định lại sản sinh được một kịch tác gia về tuồng hát bội là cụ Ðào Tấn ở làng Vinh thạnh xã Phước lộc, huyện Tuy phước. Ông sinh năm 1845, đậu cử nhân khoa Ðinh Mão (1867) tại trường thi Bình định. Năm 1871 được gọi ra Huế làm Hiệu thư. Thời kỳ "bốn tháng ba vua" ông bỏ về nhà tu ở chùa Linh Phong (chùa Ông Núi). Tu được ba năm thì được gọi ra làm quan, sau thăng dần làm Tổng đốc Quảng nam, Tổng đốc Nghệ an, sau cùng là Thượng thư bộ Công, thụ Hàm Vinh Quang Tử, một trong tứ trụ đại thần, Cơ mật viện, Ðông các điện Ðại học sĩ. Ông cũng là một nhà nghệ sĩ tài hoa, rất sành về kỹ thuật hát bội, đam mê nó đến nỗi khi làm Tổng đốc Nghệ an, đem theo người bạn trong làng, một nghệ sĩ hát bội, là ông đội Hiệp, thành lập một đoàn hát vừa là lính hầu, lính lệ, vừa là nghệ sĩ của đoàn hát, các người đó cũng có phẩm trật như ông Bát Phàn người làng Phú phong, sau này về hưu, lập đoàn hát bội tại Phú phong rất nổi tiếng. Ông Bát Phàn (bát phẩm) là thầy ông Cửu Vỵ ở Bình nghi, ông Bầu Ba ở Nhơn hoà. Vì vậy ở Bình định mãi về sau này từ năm 1920 đến năm 1945 nổi lên nhiều gánh hát bội rất hay, có nhiều người được phong làm Chánh ca ở tỉnh và ở huyện như: Chánh ca Ðông, chánh ca Ghình, chánh ca Ðựng...

 Các tuồng do cụ Ðào Tấn sáng tác gồm có: Tân Dã Ðồn (tác phẩm đầu tay viết năm 1867), Hậu Sanh Ðàn, Trầm Hương Các, Cổ Thành, Ngũ Hổ Bình Tây (sửa lại khúc sau do cụ Tú Nguyễn Diên là thầy cụ Ðào sáng tác). Muốn sửa bổn tuồng Ngũ Hổ này, cụ Ðào Tấn phải đem lễ vật đến cúng trước bàn thờ của thầy và xin phép sửa đoạn từ công chúa Thoại Ba đưa Ðịch Thanh lên đường.

 Nội dung của mỗi bổn tuồng đều hàm chưa những tâm sự, ý hướng gởi gắm của tác giả. Ông có ý hướng đả phá bọn nịnh thần Việt gian thời đó là Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, theo Pháp để vinh thân phì gia, làm chuyện gian ác giết hại nòi giống, đồng bào không có chút lương tri. Tuồng Hộ Sanh (đỡ đẻ), nhân vật Tiết Cương là tượng trưng cho phong trào kháng Pháp như: Phan Ðình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Trương Công Ðịnh. Nhân vật Tiết Nghĩa như những tên: Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải... Tuồng Trầm Hương Các (nói về Hoàng Phi Hổ đầu Châu), có ý đả phá một triều đình thối nát không còn ra thể thống quyền lực gì cả... Về mặt văn chương, những tác phẩm của cụ Ðào Tấn phải nói là trác tuyệt, mỗi câu hát Khách là những câu đối nên thơ, những câu sắp nam là những bài thơ ngắn, những lời nói lối cũng là những câu thơ nói lên nhiều tâm sự, ngọn bút sắc sảo tài tình, do vậy các vị nho sĩ, cử, tú trước kia đều ưa thích, tán thưởng. Nghệ thuật tuồng lại càng điêu luyện hơn, cách xây dựng lớp và nhân vật. Chỉ cần 5, 7 nhân vật cũng đủ làm nên một tuồng, chỉ cần 5, 7 lớp cũng đủ diễn tả một câu chuyện, ví dụ như tuồng Tân Dã Ðồn, Cổ Thành, Hộ Sanh...

Cụ Ðào Tấn mất năm 1907 (Thành Thái năm thứ 19) để lại sự nuối tiếc cho giới khoa cử bạn bè của cụ lúc đó.

3. Bộ môn hát bội đến nay gần như mai một vì không được nhân dân hiện thời hưởng ứng vì nhiều lý do

Trước tiên nó không đáp ứng được trào lưu tiến hóa theo thời đại của lớp trẻ. Ðiệu hát quá khác xa với các điệu ca nhạc tân thời du nhập từ Tây phương. Lối hát Nam xuân, Nam ai, Xuân nữ, Khách, Tẩu mã, Bạch, Xướng theo điệu kèn, trống, đờn cổ xưa đã trở nên lỗi thời lạc lõng với tầng lớp nhân dân hiện nay. Vì vậy ít người thưởng thức, nếu tổ chức, những đêm hát không bán vé được bao nhiêu, không đủ tiền để nuôi nổi đoàn tuồng. Hiện nay tại Bình định, chính quyền cộng sản tỉnh có thành lập một đoàn hát bội gọi là Ðoàn tuồng Bình định, nghệ sĩ ăn lương nhà nước, nhưng cũng không đạt được yêu cầu. Các huyện cũng có các đoàn nhưng nghệ sĩ không đủ sống phải bỏ đi làm các nghề khác.

Lối hành văn trong các tuồng hát bội thường theo thể biền ngẫu, mỗi câu mỗi chữ phải đối nhau, dùng nhiều từ Hán Việt và điển tích nên rất khó hiểu, nhất là những câu hát Khách toàn là chữ Nho nên không phổ biến được, lớp trẻ bây giờ lại ít hiểu, không hiểu thì không thể nào cảm mộ ưa thích được. Ví dụ như những câu hát Khách trong tuồng Hộ Sanh Ðàn, đoạn Võ Tam Tư đề binh đi tìm bắt Tiết Cương:

Thiết mã thiên quần phi tộ tuyết
 Hùng binh vạn đội bó như tinh
 Lôi đình Giang Hán quân thinh chấn
 Tiết thị hưu tư vọng thoát sanh

 Tạm dịch:

Ngựa sắt ngàn bầy chạy như tuyết bay
 Binh hùng mạnh vạn đội bày bố đông như sao
 Bên bờ sông Hán thủy tiếng quân reo vang dội như sấm
 Họ Tiết chớ khá nuôi ý đào tẩu.

 Hay những câu nói lối của Tiết Cương:

Kinh địa từ tế tảo song linh
 Triều binh phút công vi vạn đội.

 Tạm dịch:

Từ khi đến đất Kinh đô tế mồ mả cha mẹ
Nay bị binh của triều đình bầy bao vây trùng điệp.

 Những câu Xướng, Bạch cũng thế toàn là chữ Nho và điển tích, như Lan Anh nhớ Tiết Cương:

Khéo lôi thôi dương liễu mạch đầu
 Càng thánh thót hoàng oanh chi thượng

 Mỗi câu là một bài thơ Ðường, thất ngôn tứ tuyệt:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
 Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
 Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
 Hối giao phu tướng mạch phong hầu
 ***Khéo lôi thôi dương liễu mạch đầu

 và bài:

Ðả khởi hoàng oanh nhi
 Mạc giao chi thượng đề
Ðề thời kinh thiếp mộng
 Bất đắc đáo Liêu Tề

*** Càng thánh thót hoàng oanh chi thượng.

 Nhiều và còn nhiều lắm những trường hợp như vậy, do đó người bình dân chỉ cảm theo giọng hát và bộ tịch chứ khó thấu đáo được lời tuồng, nên sự đam mê thích thú cũng giảm đi rất nhiều. Lối hát ứ ư, ứ ự cũng đã quá lỗi thời không còn thích hợp với giới trẻ, giới thanh niên nữa.

4. Hát bội là môn nghệ thuật đi sâu vào lòng dân Bình định nói riêng và cho cả miền Trung nói chung từ Quảng trị đến Phan rang vào những năm 1975 trở về trước. Hát bội ở miền Nam cũng có nhưng thể điệu rất ngơi chậm và kéo dài, có lẽ ảnh hưởng của người Hoa.

Ở Bình định thường có câu ca dao nói rõ sự đam mê của người dân về môn hát bội:

Hát bội hành tội người ta
Ðàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con

Ưa thích mê xem hát bội đến nỗi đàn ông mới cưới vợ nghe có đám hát cũng để vợ ở nhà một mình, đàn bà có con nhỏ không ở nhà ru con ngủ. Mỗi lần ở làng xã có chuyện cúng tế đình miếu thần hoàng đều phải mời đoàn hát bội đến hát lễ cúng thần linh, thường chọn bổn tuồng có nhân vật Quan Công tức ông Quan Vũ - Quan Vân Trường trong truyện Tam Quốc, vì quan niệm cho rằng ông đã hiển thánh sau khi tử trận, gương trung liệt nghĩa khí của ông đã sáng ngời với ba đức tính: "Bần tiện bất năng di, Phú quí bất năng dâm, Uy vũ bất năng khuất", mặc dù Tào Tháo trăm phương ngàn kế dụ dỗ, uy hiếp. Vì vậy các tuồng thường được trình diễn như: "Cổ Thành": Quan công phò nhị tẩu quá ngũ quan trảm lục tướng (qua 5 ải chém 6 tướng) đoàn tụ với Trương Phi ở Cổ thành; "Hoa Dung Ðạo": Quan Công tha Tào Tháo ở Hoa dung; hoặc "Tam Anh Chiến Lữ Bố" (Lưu, Quan, Trương đánh nhau với Lữ Bố), hoặc "Quan Công phó hội với Châu Du". Lấy hát bội để tế lễ thần linh như một món lễ vật quí giá dâng cầu thần cho mưa thuận gió hoà, dân cư lạc nghiệp, may mắn thịnh vượng, người ta gọi là hát "thứ lễ". Sau đó các chức sắc trong làng thường chọn các tuồng hát có tính cách tiểu thuyết, tình cảm như: Ngũ Hổ Bình Tây, Hộ Sanh, Tiết Giao đoạt ngọc, Mạnh Lệ Quân v.v...

Ở chùa chiền cũng có tổ chức hát bội, nhất là vào dịp rằm tháng bảy lễ Vu lan, trong dân gian thường có câu: "Trong chay ngoài bội" trong chùa làm lễ cúng chẩn, bên ngoài hát bội, thường hát các tuồng có điển tích liên quan đến đạo Phật như: Mục Liên Thanh Ðề, Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa v.v...

Mỗi lần có đám hát bội là mỗi lần trai gái trong làng có dịp gặp gỡ để tâm sự, trò chuyện, tán tỉnh, có cơ hội để trao đổi tình cảm. Do vậy mà dân chúng già trẻ đều ưa thích hát bội. Người nào hiểu được kỹ thuật, điệu nghệ, các thể loại của hát bội đều đam mê về tiếng kèn, nhịp trống, điệu đàn cò (còn gọi là đàn nhị), bởi nó diễn tả tình cảm: vui, giận, buồn, sợ, thương, ghét, ưa muốn (hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục) của mỗi nhân vật trong truyện tuồng mỗi vẻ khác nhau, theo tình tiết khác nhau, rất tế nhị. Lúc hùng tráng thì hát theo thể: Bạch, xướng, tẩu mã, giao ban, nói lối; lúc vui vẻ, sung sướng thì hát theo điệu: Nam xuân, nói lối, hát bài nhịp một, nhịp ba; lúc đau buồn thì hát theo điệu: Khách, nói lối. Mỗi thể loại điệu kèn, đờn, nhịp trống ăn khớp với giọng hát, câu ca, dễ làm cho người xem phải cảm động say mê. Mỗi lần có đám hát nghe tiếng trống kèn thúc giục, nhất là tiếng trống chầu đổ liên hồi làm náo nức rộn rã lòng người mà không đi được, chỉ tiếc là đến nay nó không còn thích hợp với tầng lớp trẻ nữa. Tân nhạc, phim ảnh đã thay thế làm môn giải trí thịnh hành hiện đại, nó dễ hiểu và dễ làm rung cảm lòng người, nên lần hồi môn hát bội bị thất truyền mai một. Hát bội giờ đã như một hình bóng cổ xưa, quê mùa đối với thanh thiếu niên Việt nam ngày nay, ngay cả Cải lương cũng thế.

VÕ NGỌC UYỂN
(Ðặc san TÂY SƠN Xuân Bính Tý 1966 – sankhau3mien.com)

----------------------------------

“Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong” 


Xưa nay, người ta vẫn bảo Bình Định là cái nôi của hát bội. Trong một chuyến xuyên Việt, nhà thi sĩ “túi thơ đeo khắp ba kỳ’’ Tản Đà đã dừng chân ở lại Bình Định để xem hát tuồng và để lại một dấu ấn tuồng Bình Định trong thơ ca: 

“Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong 
Nam Ô nước mắm, tỉnh Đông chè Tàu” 
(Thơ Tản Đà)

Quanh năm, người ở quê chăm lo làm ăn, đồng cạn đồng sâu, chợ sớm chợ chiều thế nhưng vẫn dành thời gian để xem hát bội, thưởng thức món ăn tinh thần của họ.


Rằm Giêng hát hội Phò An.

Phần lớn các làng có lập đình thờ Thành Hoàng và có lệ “Xuân Thu nhị kỳ”, cúng tế Thành Hoàng hàng năm. Có làng như làng Háo Đức lập chùa thờ Quan Vũ (tục gọi là Chùa Ông), làng Liêm Lợi lập chùa thờ Bà Mụ linh đỡ đẻ cứu người cứu vật (1) (gọi là Chùa Bà), làng dệt Phương Danh lập chùa thờ Tổ nghề dệt tơ lụa (tục gọi Chùa Kén),… Và chẳng khác gì ở các đình, ở các chùa này cũng có lệ cúng tế hàng năm. Trong các dịp cúng tế thường có kèm theo hát bội. Làng nào sửa chữa, tôn tạo đình làng thì tổ chức hát “lạc thành”. Tháng Giêng sau Tết Nguyên đán và tháng Ba có tiết Thanh minh là những tháng rộ lên nhiều cuộc hát đình, hát chùa. “Lịch hát” được kể thành vè cho dễ nhớ:

“Rằm Giêng hát hội Phò An 
Đến ngày mười bảy hát sang chùa Bà
Hai mươi, hăm mốt, hăm ba
Muốn gần Chợ Rượu, muốn xa Cảnh Hàng
Chim kêu trên núi Chà Rang
Em đi xem hát giần sàn mốc meo”.

Những tư gia sinh qúy tử, con cháu thi đỗ, làm quan được thăng quan tiến chức, được sắc phong… cũng thường rước gánh hát về hát tạ ơn, hát mừng và đãi cho bàn dân thiên hạ xem. Năm nào trong vùng cũng có một vài đám hát tư gia.

Hát đình, hát tư gia thường từ 1 đến 3 ngày. Các vở tuồng để hát quanh đi quẩn lại: Cổ thành (Hát lễ, trước hương án) sau đó Sơn hậu thành, Phụng Nghi đình… Người ta tin tưởng rằng hình tượng Quan Công (trong Hát lễ) mặt đỏ râu dài, tay cầm Thanh long đao trên sân khấu với đức Trung Nghĩa phò Lưu Bị tận trung của Tướng quân là hiện thân của Thần linh phù hộ cho họ.

Lại còn có hát trường nữa. Có trường hát thì có ông chủ trường, chủ rạp. Ông chủ trường hát là người bỏ tiền ra lập trường hát vì mục đích kinh doanh, thường là ông Bầu hát. Nhưng cũng có những chủ trường hát “vô tư”, lập trường hát là vì yêu hát bội hoặc vì yêu say đắm cô đào hát hay, thanh sắc mặn mà. Nói chi các thị trấn Bình Định, Đập Đá là chỗ phố thị đông người phải có những trường hát, rạp hát, ngay ở các làng xã xa xôi hẻo lánh cũng có nhiều nơi lập trường hát, như xã Nhơn An của tôi thời 9 năm kháng chiến cũng có đến 3 trường hát. Mỗi đợt hát trường thường kéo dài, có đợt cả tháng, hát đến khi nào hết tuồng, tới hồi “tôn vương” hoặc khán giả hết tiền mua vé đi xem mới thôi.


Một cảnh trong vở “Mộng bá vương” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn biểu diễn


“Hát bội hành tội người ta’’

Hình thức “hành tội” có nhiều dạng. Xem hát nhiều ngày đêm quá, nhà nông bỏ bê việc ruộng đồng, (tệ hại nhất là khi nông vụ tấn thời) dân buôn bỏ chuyến buôn, bà nội trợ bỏ buổi chợ, dân chài bỏ đánh bắt cá,... Hoặc giả ai đó có ráng đi làm thì cũng mắt nhắm mắt mở, năng suất hiệu quả công việc kém. Đám học trò nhỏ cũng mê hát bỏ đến trường, tại vì mang dòng máu mê hát của cha mẹ.

Có một năm làng Trung Định hát Tế Thu, tống ôn năm cũ. Mới bắt đầu hát thì trời đổ mưa. Hát 3 ngày 3 đêm, hết “Quan Công phò nhị tẩu” đến 3 lớp Giang Sơn (San hậu thành), trời vẫn mưa dầm. Người xem hát vẫn đông, dù phải đội nón mang tơi đứng dưới mưa mà xem. Lúa hè thu chín ngoài đồng ngâm tôm nước lụt, rục xuống, nứt mộng hết. Xem hát xong, người ta ra đồng vớt lúa mộng đem về nhà. Nhà nào nhà nấy sản lượng lúa mất quá nửa, dở khóc dở cười bảo nhau: “Hát bội hành tội người ta” và chuẩn bị tinh thần để đón cái Tết nghèo, cái đói giáp hạt sắp tới, bởi khó tránh khỏi. Rút kinh nghiệm năm đó, những năm sau làng tránh cho dân bằng cách tổ chức hát Thu kỳ sau khi đã thu hoạch xong lúa hè thu. Lại còn sẵn rạ rơm mới cắt, đánh tranh, chặt tre bờ làng cất rạp dài mấy mươi thước cho dân ngồi xem hát đàng hoàng.

“Trồng trầu thả lộn dây tiêu’’

Nghề hát bội thường là nghề có truyền thống gia đình. Trong gia đình có ông bà, cha mẹ làm Bầu hát, theo nghề hát thì con cháu thường noi dấu, đi theo nghề. Tuy nhiên, nhà “ngoại đạo” cũng có con cháu theo nghề hát. Những ai ở trường hợp này thường bị gia đình không bằng lòng. Đó là bởi thành kiến cũ, coi “xướng ca vô loại” mà điển hình là cô Lành ở làng Trung Định. Cô Lành mê hát rồi xin mẹ cho theo hát, làm đào cho gánh hát ông Bầu Chẩm ở trong làng. Mẹ cô là bà Hai Đẩu quyết không cho con gái mình theo hát, đánh đòn và đòi “từ’’cô mà vẫn không ngăn được cô con gái mình. Từ khi cô Lành đi theo hát, bà Hai Đẩu như người tâm thần, ra đường gặp con gái nhà ai xinh như con bà, bà liền chỉ vào mặt, mắng:

“Trồng trầu thả lộn dây tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư
Ngó lên hòn núi Mù U
Con theo hát bội Xuân – Thu mẹ buồn”

Nhưng cũng có trường hợp, cha mẹ sớm thuận, đó là nhờ lòng hiếu thảo của con cái thuyết phục được cha mẹ:

“Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con theo hát làm đào mẹ coi” 
(Ca dao)

Người ta sống theo hát bội

Tuồng hát bội thường có người trung kẻ nịnh, có cảnh “người trung mắc nạn đứa gian vui cười” nhưng đến hồi kết thúc thì tuồng nào cũng có “hậu” thái tử hết hồi hoạn nạn được lên ngôi Vua trị vì, trung thần trải gan dạ theo phò Vua giúp được hưởng vinh hoa phú quý. Người quê tôi ngồi xem hát, thương - giận, căm tức - hả hê theo tuồng, rồi về nhà sống cho mình, sống với xung quanh làng nước cũng bằng cách ấy, phản ứng tình cảm theo cách ấy. Từ đó, ai cũng lo ăn hiền ở lành, tin ở lẽ công bằng của Trời đất, luật nhân quả, chính nghĩa tất thắng phi nghĩa, Thần thánh rồi sẽ cứu khổ cứu nạn cho người tốt,… Trong mỗi làng, thường có Chùa thờ Quan Vũ, trong mỗi nhà thường có trang thờ Quan Công, tức là thờ cái lòng Trung Nghĩa Thiên Thu, không dời đổi của vị này.

Đó là người lớn, còn lũ nhỏ thì tối đi xem tuồng gì sáng về nhà rủ nhau diễn lại tuồng ấy. Cũng vẽ mặt nhọ nồi, mang râu ngô, cầm thương giáo gậy tre, cán trúc. Thường chúng tôi gặp khó khi phân vai: Không đứa nào chịu làm thằng gian thần mặt mốc râu rìa như Bàng Hồng, Hàn Phụng,… mà đứa nào cũng thích được “thủ vai” người trung, tướng quân tài giỏi mặt đỏ râu dài, tướng mạo khôi ngô như Quan Vũ, Triệu Tử Long,…


Mặt nạ hát bội

Từ mê hát bội đến mê tiểu thuyết chương hồi

Dân làng hồi xưa rất ít người biết chữ nhưng họ “mê” sách hơn bây giờ. Thế nhưng họ chỉ mê một loại sách là tiểu thuyết chương hồi bên Trung Quốc, kế đó là chuyện thơ nôm truyền khẩu trong dân gian. Lý do mê sách là bởi chính đây là “Tích dịch ra tuồng” không có tích thì làm sao có tuồng, đọc sách nghe sách là để biết thêm tuồng. Đọc sách Tam Quốc Chí là để biết thêm pho tuồng Tam Quốc, đọc tiểu thuyết Mạnh Lệ Quân là để biết thêm tuồng Mạnh Lệ Quân, đọc tiểu thuyết Ngũ Hổ Bình Tây, đọc truyện nôm Thạch -  Sanh, Lưu Bình –  Dương Lễ… cũng nhằm mục đích ấy. Khách vào thăm làng, bất kể sớm trưa chiều tối vẫn thường được nghe tiếng đọc sách ở trong làng như nghe tiếng mẹ ru con, bà ru cháu vậy. Một người (thường là cậu học trò lớp Nhì, lớp Nhất Tiểu học) đọc nghê nga mà rõ to cho 5 – 7 – 9 – 10 người ngồi quây quần nghe chung. Cả người đọc lẫn người nghe đều lấy làm thích thú lắm, nhiều bữa quên ăn. Mà sách ở đâu? Người ta mua trong các phiên chợ Gò Chàm, Đập Đá, Cây Bông, Cảnh Hàng,… Sách do nhà Tín Đức Thư Xã in, được các bà hàng cườm bày bán lẫn với tập vở, manh giấy, hũ mực tím, gương lược, trầu cau, vàng mã,… trên mẹt hàng của các bà.

Hát bội thường trực trong đời sống người quê Bình Định

Người ta lâu ngày không xem hát là lòng trống trải khó chịu. Lâu không gặp đám hát đình, hát đám thì họ tạo ra một hình thức “sân khấu” khác để được hát và xem hát cho đỡ ghiền, đỡ nhớ. Đêm hè trời nóng, muỗi vo ve, không ngủ được, cả xóm tụ lại nơi một nhà nào đó. Chủ nhà đốt đèn lên, sắm trà nước, ngả mấy chiếc nong ra giũa sân làm “sân khấu”, thế là diễn ra cuộc hát. Ông bà nào hát hay, hay hát lần lượt tự nguyện bước ra nong hát: Nam, khách, tẩu, lý mọi,… kèm theo điệu bộ, tuồng gì cũng được. Ai hát cứ hát, ai ngồi nghe cứ nghe, rồi uống nước trà, rồi kèn trống bằng miệng inh ỏi đệm cho câu hát thêm hay. Đêm dần khuya, “đệm hát” thêm mùi mẫn, cho đến khi sương đêm sa xuống nhiều, người ta mới chịu vãn hát mạnh ai nấy về nhà ngủ bình yên, thoải mái. “Sân khấu’’ kiểu ấy xuất hiện bất cứ ở đâu, “trên từng cây số”: Thợ gặt xế trưa ra đồng ngồi chờ cuốn lúa - hát; người nhàn rỗi tránh cái nóng trưa hè, ra ngõ có bóng tre trùm mát ngồi hóng gió – hát… Trong đám cưới ngày nay, ít đám thiếu tiết mục hát bội góp vui, trong các lớp tập huấn hội thảo, cán bộ người quê tôi vẫn góp vui vài trích đoạn hoặc vài câu nam, khách trong giờ giải lao. Thắc mắc không biết tại sao có câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi đi quyền” lại không có câu tương tự như vậy nói về hát bội, vì ở đây hát bội cũng phổ cập không kém võ nghệ.

Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình...

Thiết nghĩ không có khán giả biết thưởng thức thì không có nghệ sĩ hát hay và chịu khó trau dồi tài nghệ. Ngay từ hồi tóc để chỏm, đám hát ở đâu cũng chỉ được phép ngồi xếp bằng dưới đất mà xem, tôi đã nghe người lớn nhắc nhiều đến tên tuổi Chánh ca Đựng, Bầu Nhưng, Cửu Vị,… với cả lòng ngưỡng mộ của họ. Khi lớn lên còn ở quê, tôi luôn được nhiều dịp đồng cảm với bà con quê tôi về lòng mến mộ tài nghệ của các kép hát Hoàng Chinh, Long Trọng, Tư Cá,… các đào hát Ngọc Cầm, Mộng Thu, Lệ Suyền,… Dân làng, nhất là các bà các cô, “mê” các đào kép hát hay đến không còn giấu riêng tình cảm ấy ở trong lòng mà đã bộc lộ “công khai” thành lời, thành vè, thành câu ca dân gian:

“Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình
Dù chồng có đánh thì mình cũng đi.
Nói ra thì chuyện cũng kỳ
Hoàng Chinh đóng kép mình thì mê ngay”. (2)

Bình Định có Nhà hát tuồng Đào Tấn, và hát bội ngày nay vẫn còn có khán giả, mà khán giả nhiệt tình, “nòng cốt” là lớp người “tri thiên mệnh” trở lên, lớp người đó còn thuộc được câu tuồng, tuồng tích, biết câm chầu, gõ tang trong đêm hát.

(1) Tương truyền, Bà Mụ còn đỡ đẻ cho nhiều trường hợp cọp cái sinh khó. Sau, các đời cọp trên Núi Bà thường hái qủa rừng dâng cúng Bà Mụ ở nơi thờ phượng.
(2) Cũng có câu:
 “Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình
Dẫu chồng có đánh mình thì cũng đi”
(Cả 2 câu đều là ca dao Bình Định).
         
Huỳnh Kim Bửu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét