Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Tháp Cánh Tiên


Tháp Cánh Tiên là một tháp Chàm, toạ lạc trên một đỉnh gò khá cao, được xác định là trung tâm của thành Đồ Bàn, cố đô xưa của vương quốc Champa ngày xưa. Nay thuộc thôn Nam An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.


Trong sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên nên gọi tên ấy”. Còn các nhà nghiên cứu Pháp theo cách mệnh danh riêng gọi đó là Tour de Cuvre (Tháp Đồng).

Tháp Cánh Tiên có kiểu kiến trúc mang nét đặc trưng văn hoá Champa. Trong tiếng Chăm có một từ chỉ chung cho loại hình kiến trúc này là Kalan (đền thờ). Chức năng chủ yếu của Kalan, như ý nghĩa của từ, là phục vụ đời sống tâm linh và các lễ nghi tôn giáo.

Cánh Tiên được đánh giá là một ngôi tháp đẹp, được tạo dáng độc đáo, thanh thoát.

Đế tháp xây cao, bề thế trên một khu đất hình vuông, mỗi bề dài khoảng gần 10m với các đường giật cấp so le. Toàn tháp cao khoảng 20m, bốn mặt quanh thân tháp đều trang trí các cột trụ ốp tường, nhô ra theo một tỉ lệ hài hoà với tổng thể kiến trúc. Các góc thân tháp được bó bằng các khối đá có kích thước lớn nên khá vững chắc. Tháp có 4 cửa vòm nhọn vút lên mở ra 4 hướng, nhưng chỉ có cửa chính hướng đông là ăn thông với lòng tháp, còn lại là 3 cửa giả. Bộ diềm hơi nhô ra tạo thành bộ đỡ cho các tháp góc bên trên. Các hình chặm khắc chủ yếu tập trung trên bộ mái.

Hiện tháp còn lại bốn tầng, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như những chú chim đang bay. Có lẽ chính do dáng vẻ này mà người đời thả trí tưởng tượng, gắn với hình tượng thần tiên mà đặt tên cho tháp là Cánh Tiên. Những tảng đá chạm khắc hình đuôi phụng gắn trên các tầng tháp giả và hình Makara, một loài thuỷ quái trong thần thoại Ấn Độ với nanh nhọn, vòi dai, trang trí ở các góc đầu tường đã tạo cho tháp Cánh Tiên một vẻ đẹp sang trong, huyền bí.

Theo các thư tịch cổ, thành Đồ Bàn do vua Chiêm Thành Ngô Nhật Hoan xây từ thế kỷ thứ X, còn tháp Cánh Tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, dưới đời vua Chế Mân (Jaya Sinbavarman III). Có giải thuyết cho rằng đây là ngôi tháp Chế Mân dành tặng hoàng hậu Paramecvari tức Huyền Trân công chúa - người con gái Việt cao quý đã đặt quyền lợi lên trên hết, cùng ông kết mối lương duyên lịch sử.

Tương truyền, trước khi rời Đại Việt, nàng công chúa lá ngọc cành vàng của triều Trần đã học nhuần nhuyễn mọi nghi thức cung đình lẫn sinh hoạt dân gian Chiêm quốc. Đi làm dâu xa xứ, nàng được thần dân yêu quý và kính trọng vì vị hoàng hậu người Việt này không những nói thạo tiếng Chiêm Thành, biết múa hát các điệu dân ca dân vũ Chiêm Thành, mà còn chịu khó truyền dạy các cung nữ và thần dân quê chồng dệt vải, trồng lúa, thêu thùa, may vá. Tưởng không quá khi nói rằng : Cưới Huyền Trân, sính lễ của Chế Mân là hai châu Ô – Lý, còn tháp Cánh Tiên là sính lễ tình yêu mà ông dành tặng cho nàng, như một lời công nhận thiêng liêng thần dân trăm họ. Theo nhà du khảo người Pháp Ch.Lemire đã mô tả lại : "Trên mỗi cửa bên trong đều có một bức tường có hình gân cung, nó giấu kín một tượng đàn bà bán thân nửa nổi nửa chìm, đầu đội một cái mũ rất sang, cầm trong tay một đoá hoa sen", thì chúng ta có quyền hy vọng vẫn cón đâu đó trong lòng đất, hoặc trầm ẩn giữa các tường tháp cổ xưa, một bức tượng Huyền Trân – Paramecvari với vương miệng hoàng hậu, gương mặt dịu hiền phảng phất nỗi tư hươn, trên tay còn rưng rưng một búp sen minh triết.

Mặc dù là dân Bình Định, nhưng phải đến mùa đông năm năm 2013 này tôi mới quyết tâm lần đầu ghé tham quan tháp Cánh Tiên. Dù ngày từ khi còn nhỏ đi học, mỗi lần đi Quy Nhơn, Diêu Trì hay vào Sài Gòn ... (từ Phù Cát), tôi đều đi ngang qua ngọn tháp này và từ Quốc lộ 1 có thể dễ dàng nhìn thấy bóng dáng trầm uy của nó lồng lộng trên nền trời.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc là tôi không thể chạm tay vào ngôi tháp cổ này, vì hiện nay, thật đáng tiếc, ngọn tháp đang bị "giam" trong bốn bức tường và cửa, cổng khu di tích thì ... khóa chặt, im ỉm.

Những bức ảnh dưới đây về tháp Cánh Tiên do tôi chụp từ con đường đất nhỏ nằm dưới ngọn đồi trước mặt tháp Cánh Tiên vào tháng 11-2013.

Trần Hồng Phong

-----------------------------------








Con đường chạy ngang qua Khu di tích văn hóa lịch sử Tháp Cánh Tiên. Đi một đoạn nữa sẽ đến cổng thành Đồ Bàn (di tích). Chùa Thập Tháp nằm ở phía bên phải con đường này, cách khoảng 2km đường chim bay.










Tháp Cánh Tiên nhìn từ Quốc lộ 1


---------------------------

Một ngọn tháp Chàm khác gần tháp Cánh Tiên

Cách tháp Cánh Tiên khoảng 3km về hướng đông bắc (bên kia đường Quốc lộ 1) còn có một ngọn tháp Chàm khác nằm đơn độc trên một ngọn đồi nhỏ. 

Ngọn tháp này có phần đỉnh thon gọn và dáng vẻ rất thanh thoát, cân đối. Người dân Phù Cát từ vùng Cát Tân, Hòa Dõng (giáp An Nhơn) đề có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn tháp này hàng ngày. 

Tháp Chàm này tên là tháp gì, mời quý vị đọc trong Nước Non Bình Định của Quách Tấn ( có trong blog này) sẽ rõ.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét