Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Suối nước nóng Hội Vân


Suối nước nóng Hội Vân có lẽ là địa danh nổi tiếng nhất của huyện Phù Cát nói riêng, của Bình Định nói chung. Người Phù Cát đi xa khi nói về quê hương, thường không thể không nhắc tới con suối cạn, hiền hòa và có dòng nước nóng đặc biệt này.


Suối nước nóng Hội Vân thuộc thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát. Từ thị trấn Ngô Mây, đi theo một con đường lát xi măng thẳng hướng Tây chỉ khoảng 2km là tới.

Như mọi sông suối ở miền Trung nói chung, suối nước nóng Hội Vân chảy theo hướng từ Tây xuống Đông. Đây có lẽ cũng chỉ là một con suối nhỏ, đẹp và bình thường như trăm ngàn con suối khác ở Việt Nam, nếu không có một điều rất đặc biệt là đoạn chảy qua thôn Hội Vân (khoảng 500m), nước bỗng dưng nóng hừng hực.

Về mặt khoa học, người ta đã giải thích được sở dĩ nước nóng là do có những nguồn nhiệt trong khu vực phun trào lên bề mặt trái đất. Thường là dấu tích của những ngọn núi lửa ngày xưa.

Quả thật ngay sát bờ bắc suối nước nóng Hội Vân có một ngọn núi lửa nhỏ, đất đỏ au - hoàn toàn khác biệt với loại đất trắng pha cát bạc màu ở Phù Cát, Cát Hiệp. Trước những năm 1990, ngọn núi lửa này vẫn còn khá cao, giống như một ngọn đồi. Nhưng thật đáng tiếc là người ta đã ủi bay nó, để lấy đất xây dựng, để nâng cao nền con đường đất đi từ thị trấn Ngô Mây tới suối nước nóng Hội Vân và tiếp lên Cát Hiệp, Cát Lâm. Nên nay ngọn núi lửa đó hầu như đã bị cào bằng, không còn dấu vết gì nữa. Chỉ có những người lớn tuổi mới biết và nhớ.

Vốn là người quê ở Hội Vân, Cát Hiệp, nên ngay từ nhỏ tôi đã biết rất rõ về suối nước nóng Hội Vân. Tôi đã nhiều lần tắm, đi soi cá ban đêm, thậm chí cùng bạn bè ngủ qua đêm ngay trên bờ suối! Tôi thật sự rất tự hào về con suối nhỏ xinh đẹp, hiền hòa và có phần cô quạnh này. Khoảng năm 1993, tôi có viết một bài báo giới thiệu về suối nước nóng Hội Vân được đăng trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật.

Độ nóng của nước suối Hội Vân đạt khoảng 70°C - 80°C, chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Từ khoảng năm 1976, Nhà nước đã xây dựng một Trạm xá chữa bệnh ở đây. Hiện nay, đã trở thành một bệnh viện, với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như tắm bùn, tắm nước nóng và là một địa chỉ an dưỡng của nhiều người .

Suốt hàng ngàn năm qua, suối nước nóng Hội Vân do các mạch nước nóng từ lòng đất phun lên, tỏa khói nghi ngút, thoang thoảng mùi phốt pho nồng nồng trong không gian. Những buổi sáng sớm hay chiều tà, khi không khí ẩm và lạnh, đặc biệt vào mùa đông, từ xa cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy những làn khói lan trắng dày đặc, lan tỏa như sương mù, phủ che cả con suối.

Do độ nóng của nước, có thể nhúng chín trứng gà, trứng cút... Nhưng lại không đủ nóng để làm trứng chín hẳn dù ngâm lâu bao lâu, mà chỉ hơi tái lòng đào. Cùng với những khoáng chất trong nước thẩm thấu qua vỏ trứng vào, sẽ tạo nên một hương vị có thể nói là vô cùng đặc biệt, rất thơm ngon, quyện đặc. Mọi người đã tới suối nước nóng Hội Vân, không thể không thưởng thức món trứng gà trụng nước nóng chín lòng đào ở đây. Người bán quán bên bờ suối sẽ bỏ những quả trứng vào một bịch nilon và vùi trong nước, lấp cát lên trong khoảng 10 phút. Vậy là có ngay món đặc sản đặc biệt của suối nước nóng Hội Vân. (Tôi cũng đã từng ăn trứng trụng ở suối nước bóng Bình Châu ( tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng thấy không bằng. Không biết có khách quan không. Hi).

Nhiều năm trước đây khi suối còn hoang vắng, đường giao thông chưa chạy ngang qua như hiện nay, người dân địa phương thường đem gà, vịt ra trụng nước nhổ lông, nhiều người còn lấy nước nóng dưới suối về uống - chữa các bệnh về đường ruột, ngoài da rất tốt.

Có một điều rất thú vị nhưng không hẳn ai cũng có dịp thực hiện và thưởng thức. Đó là tắm suối nước nóng. Mà phải là tắm ngay dưới lòng suối, chứ không phải là bơm nước nóng lên tắm như trong bệnh viện Nước nóng Hội Vân bên cạnh. Khi đi tắm, người "chuyên nghiệp" thường vác theo một cái cuốc nhỏ, chọn chỗ có mạch nước nóng rồi cào cát dưới lòng suối be bờ, pha trộn các dòng nước nóng lạnh chảy xen kẽ nhau, tạo thành một cái "ao tắm" với độ nóng vừa phải - theo ý thích của mỗi người. Thế là ngồi vào, ngâm mình trong làn nước nóng. Hãy tưởng tượng thân thể như chia thành hai phần, phần thì nhúng nước thì nóng, còn phần kia thì hở ngoài trời. Tạo nên cảm giác rất thú vị, vừa nóng, vừa lạnh. Lúc lạnh quá thì nhúng cả người vào nước nóng. Nóng quá lại nhỏm lên!  Tắm xong lên bờ, ai cũng lạnh run cầm cập, nổi da gà và bụng đói cồn cào (chẳng hiểu vì sao). Lúc này mà được ăn một vài quả trứng gà trụng nước nóng thì quả là sướng như tiên!

Thật đáng tiếc là những năm gần đây suối nước nóng Hội Vân bị xấu đi một cách đáng kể do sự "tàn phá" của con người. Nước cũng cạn hơn và do bị san lấp quá nhiều (các hàng quán), nên lòng suối không còn nhiều những điểm phun nóng như trước đây. Cảnh hoang vu, những bờ cây xanh, hoa lá tự nhiên ... hai bên bờ suối đã mất đi rất nhiều. Tôi còn nhớ ngày đi học vẫn thường hay một mình lội ngược dòng suối có khi hàng cây số (tính tôi vốn thích la cà, thiên nhiên). Chuyện thấy những con cò, con chim tập bay, những cành hoa dại nở tung trên lòng suối là rất bình thường. Hai bên bờ suối còn có loại cây nắp ấm rất đặc biệt, trông giống như một cái ấm, khi có con nhện hay một loại côn trùng nào đó vô tình chui vào ấm thì nắp ấm sẽ khép lại, con vật trở thành thức ăn cho cây. Sau này, tôi mới biết đây là một loại "cây ăn thịt". Bây giờ, cây nắp ấm vẫn còn, nhưng rất hiếm.

Những ngày Tết, lễ suối nước nóng Hội Vân trở thành một điểm đến, nơi tụ tập của rất đông bạn trẻ. Xe cộ rợp trời. Nhưng do quá đông, nên nhiều khi chỉ đến nhìn nhau, nhìn cảnh nhốn nháo cứ như một bãi biển nào đó. Nên không thưởng ngoạn được một cách đầy đủ những nét riêng biệt, tinh tế và thú vị nơi đây.

Về nước suối Hội Vân, tôi đã hỏi nhiều người là sao không đóng chai, rồi bán như nước Vĩnh Hảo ở Bình Thuận. Sau mới biết nước Vĩnh Hảo là nước lạnh, còn nước Hội Vân là nước nóng, nên khi đóng chai sẽ bị đóng cặn. Nói chung là công nghệ, kỹ thuật xử lý sẽ phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều. Mặc dù thành phần khoáng chất của nước nóng Hội Vân rất tốt cho sức khỏe và có chức năng chữa bệnh là điều đã rõ.

Mong trong tương lai, suối nước nóng Hội Vân sẽ luôn được giữ gìn và nâng tầm về nhiều mặt. Tại sao chúng ta không mơ mộng một chút sẽ đến ngày có những chai nước khoáng sang trọng nhãn hiệu Hội Vân nằm trong các khách sạn 5 sao.

Trần Hồng Phong

--------------------------

Dưới đây là một số hình ảnh về suối nước nóng Hội Vân mà tôi đã chụp trong khoảng 10 năm qua.


Con đường trải xi măng từ thị trấn Phù Cát đi đến suối nước nóng Hội Vân 


Cây cầu xi măng này băng ngang ngay giữa khu vực suối nước nóng. Tuy tiện lợi, nhưng lại làm cho con suối bị chia cắt và phá hủy nét nguyên sơ ban đầu 



Nhiều chòi quán được dựng tự phát ngay trên lòng suối. Một cái vòng giếng bằng xi măng, đặt ngay một mạch nước nóng, dùng để trụng trứng. Độ nóng của nước khoảng 70-80 độ C.  


Con đường đất đỏ đi lên xã Cát Hiệp. Đất đỏ này được lấy từ ngọn núi lửa bên bờ suối 

Một đoạn đường gần bên dòng suối nóng




Lội nước và tắm suối thật vô cùng thú vị. Ngày thường suối khá vắng vẻ

Cảnh nên thơ hai bên bờ. Cách khu vực nước nóng chỉ vài trăm mét, có những đoạn suối vẫn còn nguyên nét hoang sơ  



Những cồn cát nối tiếp nhau là nét đặc trưng của vùng Cát Hiệp, Cát Lâm



Hoa, lá bên dòng suối






Cây nắp ấm



------------------------------

Đầu năm 2013:



Hàng quán dựng lên chờ Tết


Bờ suối nay đã xây thành bờ kè, vĩnh viễn mất đi cảnh hoang sơ ban đầu

------------------------------------------

Tác giả bên bờ suối đầu 2013

2 nhận xét:

  1. bai viet hay, day du va thuyet phuc

    Trả lờiXóa
  2. Nếu có thể viết báo cảnh tỉnh thì mới hy vọng không có sự phát triển thiển cận phá đi vẻ đẹp hoang sơ của dòng suối.

    Trả lờiXóa