Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Sân bay Phù Cát


Sân bay Phù Cát là một sân bay vừa dân sự vừa quân sự. Về mặt vận tải dân sự, sân bay Phù Cát có tên là Cảng hàng không Phù Cát.

Dưới đây là một số thông tin về Sân bay Phù Cát (cập nhật đến 12/2013)

•Tên tiếng Anh: Phu Cat Airport (PCA)
•Địa chỉ: xã Cát Tân, huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định
•Điện thoại: (056) 3537500      
•Fax: (056) 3537500.
•Trụ sở giao dịch: 01 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
•Điện thoại: (056) 3822953      
•Fax: (056) 3823627;
•E-mail: phucat@mac.org.vn
•Mã cảng hàng không (code): UIH
•Nhà ga hành khách (Passenger Terminal): diện tích sử dụng khoảng 3.000m2.
•Năng lực phục vụ:  300 khách/ giờ cao điểm.
•Đường hạ cất cánh (Runway): 01 đường cất hạ cánh với kích thước 3.048m rộng 45m.
•Sân đỗ tàu bay (Apron): Kích thước 220,5m x 117m (chưa kể diện tích lề;
•Số lượng chỗ đỗ:  4 tàu bay A320/321.
•Giờ phục vụ: 12/24h.

Cảng hàng không Phù Cát là cửa ngõ giao thông đường không của tỉnh Bình Định, giữ vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng vừa đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của Chính Phủ nói chung.

1. Vị trí:

Cảng hàng không Phù Cát thuộc địa giới hành chính huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 35 km về hướng Tây Bắc. Vành đai phía Tây và phía Bắc giáp với xã Cát Tân, huyện Phù Cát; Phía Nam giáp với tỉnh lộ 636 là trục đường dẫn vào sân bay thuộc 02 phường Nhơn Mỹ, Nhơn Thành, thị xã An Nhơn giao cắt với Quốc lộ 1A tại ngã tư Gò Găng cách cổng sân bay khoảng 3km; Phía Đông giáp với tuyến đường sắt Bắc nam, cách đường chiến lược ven biển khoảng 20km đường chim bay.

Toạ độ điểm quy chiếu sân bay là giao điểm của đường lăn E2 và trục tim đường cất, hạ cánh 15-33; có toạ độ 13º56'47".89N - 109º03'04".21E. Mức cao của điểm quy chiếu Cảng hàng không Phù Cát so với mực nước biển trung bình là 31m.



Nhà chứa máy bay quân sự ở sân bay Phù Cát

2. Quá trình phát triển:

Cảng hàng không Phù Cát (trước 1975 gọi là Sân bay Gò Quánh) được Không quân Mỹ xây dựng vào năm 1967 phục vụ cho chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Với đường cất hạ cánh dài 3.048m rộng 45m, độ cao 31m so với mực nước biển, sân bay Phù Cát có thể đáp ứng cho hầu hết các phi cơ của Không Quân Mỹ như O2, F100, F105… Từ năm 1968 – 1972, được dùng làm căn cứ đi đánh phá các khu vực miền Trung Tây nguyên và Bắc Việt Nam. Đây còn là một trong những nơi được quân đội Mỹ sử dụng làm kho nạp dioxin đi phun rải ở miền Nam Việt Nam. Cùng với Đà Nẵng và Biên Hòa, hiện sân bay Phù Cát được biết đến do hàm lượng dioxin còn tồn lưu khá cao, đang được xử lý dioxin.

Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sân bay Phù Cát còn gắn liền với một chiến công lịch sử của Không quân Việt Nam anh hùng, tại đây phi đội Quyết Thắng được thành lập sau đó tham gia chiến dịch HCM góp phần làm tê liệt cầu hàng không di tản của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng binh chủng hợp thành của ta phát triển thế tiến công, đẩy nhanh địch vào thế sụp đổ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sân bay Phù Cát do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý sử dụng làm Trung tâm huấn luyện phi công tiêm kích. Đến năm 1984, Tổng cục hàng không cho ngừng khai thác vận chuyển hàng không dân dụng tại sân bay Quy Nhơn vì thế sân bay Phù Cát được triển khai thêm hoạt động bay hàng không dân dụng.

Tháng 9/1984, Cảng hàng không Phù Cát chính thức khai thác chuyến bay dân dụng đầu tiên. Thời gian đầu chủ yếu phải nhờ sự giúp đỡ của Trung đoàn không quân đóng tại căn cứ Phù Cát để đảm bảo công tác điều hành chỉ huy bay, thông tin liên lạc, khí tượng, đài dẫn đường và một số các hoạt động liên quan khác trong thời gian chờ đợi xây dựng nhà ga hàng không dân dụng mới.

3. Cơ sở hạ tầng:

Là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, trong đó khu vực hàng không dân dụng nằm ở trung tâm của căn cứ quân sự về phía sườn đông của đường cất, hạ cánh. Cảng hàng không Phù Cát được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân. Hiện nay do chưa đưa vào khai thác hệ thống đèn đêm nên các hoạt động khai thác của Cảng hàng không Phù Cát đều diễn ra vào ban ngày.

3.1. Đường cất hạ cánh (CHC):

Cảng hàng không Phù Cát có một đường cất, hạ cánh: 33/15 với chiều dài: 3.048m x chiều rộng: 45m

- Hướng từ: 326o – 146o
- Cấp sân bay: 4D
- Toạ độ ngưỡng theo WGS-84
Đầu 33: 13 056’ 26”89N - 109 0 03‘17 “21E;
Đầu 15: 13 057’ 52”89N - 109 0 02‘ 26 “21E.
- Loại mặt đường: Bê tông xi măng có sức chịu tải PCN/36/R/A/W/T
- Các cự ly công bố:
Cự ly chạy lấy đà (TORA)                   : 3048m;
Cự ly có thể cất cánh (TODA)             : 3350m;
Cự ly có thể dừng khẩn cấp (ASDA)   : 3048m;
Cự ly có thể hạ cánh (LDA)                 : 3048m.
- Lề vật liệu dọc hai bên đường CHC chính bằng nhựa cấp phối : 3048m x 7,62m.
- Bảo hiểm sườn: dãi bảo hiểm sườn phía Đông đường CHC chính có chiều rộng là 50m.
- Bảo hiểm đầu: đường CHC có hai dải bảo hiểm đầu kết cấu bằng BTXM và Bê tông nhựa (BTN).
+ Kích thước mỗi đầu bảo hiểm: 304m x 45,72m.
+ Kết cấu: BTXM dài 45m, BTN dài 259m
- khoảng trống (Clearway): 300 m x 150 m (ở 2 đầu đường CHC)
- Bãi hãm cát: Có 1 bãi hãm cát đầu 15 có kích thước: 100m x 50m

3.2. Đường lăn và điểm chờ:

Đường lăn:

Sân bay Phù Cát có một đường lăn chính song song phía Đông đường CHC chính và cách đường CHC 207,15m, tên gọi là E5 có kích thước : 3048m x 22,86m. Lề bảo hiểm: bằng nhựa cấp phối dọc hai bên đường lăn chính có kích thước: 3048m x 7,62m.

Ngoài đường lăn chính, sân bay còn có các đường lăn nhánh được đặt tên E1, E2, E3, E4 tính từ Nam ra Bắc, nối từ đường CHC với đường lăn E5 có kích thước 207,15m x 22,86m. Lề bảo hiểm: bằng nhựa cấp phối dọc hai bên đường lăn nối có kích thước: 207,15m x 7,62m.

- Kết cấu của đường lăn E5 và các đường lăn nhánh khác: BTXM.
- Sức chịu tải của hệ thống đường lăn : PCN 36/R/A/W/T.

Điểm chờ:

Điểm chờ được xác định trên các đường lăn nhánh nối với đường cất hạ cánh chính. Các vị trí chờ đều được xác định vạch kẻ tín hiệu chuẩn, cách mép đường cất hạ cánh chính 50m.

Sân đỗ tàu bay:

Sân đỗ tàu bay Cảng hàng không Phù Cát được nâng cấp mở rộng 02 lần vào năm 2001 và năm 2010. Kích thước sân đỗ hiện nay: 220,5m x 117m chưa kể diện tích lề. Đáp ứng 4 vị trí đậu cho tàu bay A320/321 vận hành theo phương thức tự lăn vào, tự lăn ra được nối với đường lăn E5 qua đường lăn nối AC1.

Sức chịu tải các vị trí đậu:
+ Vị trí số 1, 4: PCN 44 R/A/X/T
+ Vị trí số 2, 3: PCN 36 R/A/W/T

4. Nhà ga hành khách:

Nhà ga hành khách là nơi diễn ra các hoạt động cung ứng các dịch vụ phục vụ hành khách đi, đến và các hoạt động thương mại tại Cảng hàng không Phù Cát, với năng lực phục vụ 300 hành khách/ giờ cao điểm. Nhà ga được khởi công xây dựng ngày 10/7/2003 và đưa vào sử dụng tháng 6/2004 thay thế cho nhà ga cũ. Diện tích sử dụng của nhà ga khoảng 3.000m2.

Nhà ga mới có thiết kế 1,5 cao trình gồm tầng trệt và tầng lửng, được trang bị đồng bộ nhiều thiết bị hiện đại, hệ thống băng chuyền hành lý đi và đến, quầy thủ tục, cân điện tử; cung ứng các dịch vụ phục vụ hành khách đi máy bay như điểm tâm, giải khát, điện thoại, bán hàng lưu niệm, truy cập Internet, truyền hình, báo chí... Cụ thể:

+ Cửa ra tầu bay(Gater)                                                             01
+ Quầy Thủ tục (Check – in Counters)                                       06
+ Băng tải hành lý (Baggagages Conveyors)                             02
+ Phòng C, VIP (C, VIP room)                                                     01
+ Phòng hành lý thất lạc (Lost & Found Baggager room)           01
+ Phương tiện khẩn nguy cứu nạn
·        Xe chữa cháy (Fire Fighting Vehicles)                               01
·        Xe cứu thương (Ambulance)                                              01
·        Xe hỗ trợ cứu nạn (Support & Rescue Vehicles)               01

Ngoài ra còn một số công trình phụ trợ như: Giao thông nội bộ và sân đỗ ô tô 6.830 m2; hệ thống mương thoát nước; cầu vượt mương; hệ thống 108,6m tường rào cao 2,1m, cổng và cây xanh; máy phát điện dự phòng Cummins 550KVA có chuyển đổi tự động và hệ thống chiếu sáng bảo vệ sử dụng đèn cao áp thủy ngân 250W.

4.1.Tầng trệt:

Tầng trệt có diện tích 1.653m2. Trong đó, diện tích ga đi 1.102 m2 gồm sảnh làm thủ tục khách đi, các quầy hàng, khu ăn uống, khu kiểm tra an ninh và các phòng chức năng; Ga đến diện tích 551 m2, gồm các khu vực trả hành lý, xử lý hành lý thất lạc.

4.2.Tầng lửng:

Toàn bộ tầng lửng là khu vực cách ly có diện tích 1.284 m2, bao gồm phòng khách C, VIP và khu kinh doanh dịch vụ phi hàng không, ăn uống, giải khát bán hàng lưu niệm.

5. Dự án đầu tư:

Hiện tại Cảng hàng không Phù Cát đã được đầu tư mới và chuẩn bị đưa vào khai thác hệ thống đèn hiệu. Dự kiến tiếp tục đầu tư thiết bị hướng dẫn hạ cánh chính xác ILS vào năm 2013 nhằm nâng cao năng lực phục vụ tàu bay cất, hạ cánh, hành khách và hàng hóa thông qua Cảng.

Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, định hướng giai đoạn 2015 – 2020 sẽ nâng cấp đường CHC, tiến hành cải tạo và nâng cấp hệ thống đường lăn theo nhu cầu khai thác; mở rộng nhà ga đạt công suất 400 khách/ giờ cao điểm; nâng cấp trạm cứu hỏa đạt CAT 6 (theo phân cấp của ICAO).

6. Hoạt động hàng không:

Từ năm 1976 đến 1984, hoạt động hàng không dân dụng được tổ chức khai thác tại Sân bay Quy Nhơn. Hàng tuần có các chuyến bay chặng Hà Nội – Đà Nẵng – Quy Nhơn – Hà Nội bằng các loại máy bay AN-24 do Liên Bang Xô Viết sản xuất, và 02 chuyến bay TpHCM – Quy Nhơn – Đà Nẵng bằng máy bay DC-3, DC-4.

Tháng 9/1984, hoạt động bay chuyển lên sân bay Phù Cát, thời gian đầu phối hợp với đơn vị không quân tại căn cứ Phù Cát tổ chức phục vụ bay mỗi tuần một chuyến chuyến chặng Hà Nội – Phù Cát.

Từ năm 1992 đến năm 2003 tần suất bay tại Phù Cát khá thấp chỉ từ 2 - 7 chuyến bay/ tuần. Cho đến tháng 6/2004, sau khi đưa vào khai thác nhà ga mới tần suất bay đã tăng lên 13 lượt chuyến/ tuần (10 cho đường bay Tp HCM-Quy Nhơn và 03 cho đường bay Đà Nẵng-Quy Nhơn bằng các loại máy bay cỡ nhỏ, sức chở ít như ATR72, Foker70);

Tháng 3/2007 Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) thay thế Vietnam Airlines (VNA) khai thác các đường bay tại Cảng hàng không Phù Cát. Sau nhiều lần thay đổi, tần suất bay tại Cảng HK Phù Cát đã ổn định 15 lần chuyến/ tuần (12 cho đường bay Tp HCM-Quy Nhơn và 03 cho đường bay Đà Nẵng-Quy Nhơn), được VASCO xem là một trong những đường bay lớn của mình, đây cũng là một cố gắng lớn của tập thể CBCNV Cảng HK Phù Cát trong lúc lực lượng lao động thiếu, trang thiết bị cũ kỹ, xuống cấp, hỏng hóc liên tục…;

Tháng 8/2008 VNA khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ tại Phù Cát, đặc biệt có khai thác bằng tàu bay A320. Vào lúc 07h40 ngày 25/7/2008 chuyến bay A320 đầu tiên đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phù Cát. Thời gian đầu duy trì lịch bay 07 chuyến/ tuần đường bay Tp HCM, 03 chuyến/ tuần đường bay Đà Nẵng.

Từ ngày 16/01/2009 đến nay, VNA khai thác thêm đường bay thẳng Hà Nội – Quy Nhơn với tần suất 3 chuyến/tuần bằng Fokker 70, sau đó tăng lên 4 chuyến và hiện nay là 06 chuyến, thay hoàn toàn bằng A320.

Ngày 01/6/2011, Công ty CP hàng không AirMekong lại chính thức khai thác thêm đường bay Tp.HCM - Quy Nhơn và ngược lại với tần suất 01 chuyến/ ngày bằng máy bay phản lực 90 chỗ ngồi Bombadier CRJ900 đã góp phần ngày càng nâng cao năng lực phục vụ bay tại Cảng hàng không Phù Cát.

Sản lượng phục vụ đến hết năm 2011, Cảng hàng không Phù Cát đạt 1.240 lần chuyến bay, trên 222 ngàn lượt khách và gần 250 tấn hàng hóa bưu kiện. Hiện nay tần suất bay tại Cảng hàng không Phù Cát là 27 chuyến/ tuần, với lịch bay như sau:

-         Đường bay Quy Nhơn-TpHCM: do Vietnam Airlines khai thác 02 chuyến/ ngày (01: A320/321 và 01: ATR72)
-         Đường bay Quy Nhơn-TpHCM: do Air Mekong 01 chuyến/ngày (CRJ900) (Ghi chú: Hiện nay hãng đã ngưng hoạt động từ đầu năm 2013)
-         Đường bay Quy Nhơn-Hà Nội: do Vietnam Airlines 06 chuyến/tuần (thứ 2,3,5,6,7,CN bằng A320/321)

Ngoài ra Cảng hàng không Phù Cát còn tổ chức phục vụ các chuyến bay không thường lệ thuê chuyến của VASCO và làm dự bị cho tuyến bay Bắc – Nam theo quy định.

7. Địa chỉ phòng vé máy bay:

Cảng hàng không Phù Cát là Đại lý bán vé máy bay cấp 1 cho 02 hãng vận chuyển đang khai thác tại Bình Định là Vietnam Airlines và Air MeKong (Ghi chú: hãng này đã ngưng hoạt động từ đầu 2013).

Địa chỉ: Trung tâm giao dịch hàng không Quy Nhơn – Số 01 Nguyễn Tất Thành, Tp Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.

Điện thoại: (056) 3823125  

( Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét