Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ngô Mây tham gia du kích xã tại địa phương
Tháng 4/1947, anh nhập ngũ và là đội viên đại đội quyết tử. Khi tập luyện quân sự, có lần bị đau chân, anh vẫn ra bãi tập ngồi xem đồng đội tập để rút kinh nghiệm chứ không chịu nghỉ ở nhà. Anh đã có ý thức chuẩn bị thật tốt để chiến đấu thắng lợi.
Thu đông năm 1947 đơn vị anh được lệnh chuẩn bị chiến đấu. Thời kỳ này trang bị của ta còn yếu kém, chỉ có vũ khí thô sơ nhưng vẫn quyết tâm diệt bộ binh và xe cơ giới địch. Tuy biết rõ là có thể hy sinh, anh vẫn chuẩn bị, học cách đánh rất kỹ và bình tĩnh tự tin viết thư về động viên mẹ. Anh còn đem những đồ dùng riêng của mình tặng lại các đồng chí còn thiếu.
Đầu tháng 10/1947, đơn vị anh nhận nhiệm vụ phục kích quân địch ở suối Voi ( trên đường An Khê đi Plâycu ). Ngô Mây được giao nhiệm vụ ôm bom phá xe tăng địch để tạo điều kiện cho đồng đội diệt bộ binh giặc.
Anh bình tĩnh thắt lại chiếc khăn quàng màu đỏ trên cổ rồi vào nơi phục kích bên đường. Không may, tình huống trận đánh diễn ra ngoài dự kiến. Trận địa bị lộ, bọn địch tấn công trước và dồn quân ta vào thế bất lực. Lực lượng quá chênh lệch, đơn vị phải vừa đánh vừa yểm hộ cho từng bộ phận rút lui để bảo toàn lực lượng.
Ngô Mây đã quyết định chờ cho một toán đông quân giặc tới gần chỗ anh nấp rồi ôm quả bom bước ra, rút chốt. Bọn địch chưa kịp nhìn rõ anh thì một tiếng nỗ dữ dội vang lên. Một trung đội Âu phi tan xác và anh Ngô Mây cũng hy sinh oanh liệt.
Ngô Mây đã được tặng thưởng Huân chương quân công hạng hai và được Quốc hội truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/8/1955.
Đi theo đường Quy Nhơn - Tuy Phước xuống Vạn Gò Bồi, quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu, đi chừng hơn 2 km là tới xóm của Ngô Mây. Cách nay 7-8 năm, từ vạn Gò Bồi sang là một con đường đất nhỏ hẹp bị mưa lũ bào mòn, chỗ đứt chỗ nối, nước bùn ngập lụt. Người ta phải sắn quần lội bì bõm hay đi sõng nhỏ từng quãng ngắn. Bây giờ đường lớn bê tông liên huyện, nối với Nhơn Hội (Quy Nhơn), Đề Gi (Phù Cát) và ra tuốt Hoài Nhơn, xe ô tô chạy ngon lành. Nhà Ngô Mây ở xóm Đình trên một gò đất nhỏ độ mươi nóc nhà. Chung quanh bây giờ lúa tốt ngập.
Gia đình người anh hùng giờ chẳng còn ai, bởi người em út kề Ngô mây năm 1996 đã 74 tuổi. Ngô Mây nếu còn, năm nay đã ở tuổi 84. Nhưng trong tâm tưởng mọi người, Ngô Mây vẫn như tuổi 25 lúc anh hy sinh. "Người chết thì trẻ mãi", một nhà văn nào đó đã từng nói.
Để nhớ ơn anh hùng Ngô Mây, thị trấn Phù Cát trước đây được đổi tên thành thị trấn Ngô Mây. Tại thị trấn Ngô Mây cũng có một ngôi trường tiểu học mang tên Ngô Mây.
Ngoài quê hương Phù Cát, còn có một phường, một đường phố và hai trường học ở TP Quy Nhơn cũng được mang tên người Anh hùng Ngô Mây.
Tại vườn hoa trung tâm Phù Cát, một tượng đài anh hùng Ngô Mây ôm bom của họa sĩ Xuân Việt đã được dựng lên.
Mộ anh hùng liệt sỹ Ngô Mây ở Phù Cát
Tượng đài Ngô Mây ôm bom ở trung tâm thị trấn Ngô Mây, Phù Cát
Di ảnh anh hùng liệt sỹ Ngô Mây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét